Tài chính

Cơ chế mới sẽ làm ‘nóng’ cổ phần hóa

Một loạt các cơ chế mới sắp được ban hành sẽ giúp tháo gỡ các "nút thắt" cổ phần hóa, làm lành mạnh tình hình tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hạn chế thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Cơ chế mới sẽ làm ‘nóng’ cổ phần hóa

Vinamilk đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư khi mới đây, SCIC cho biết sẽ bán 9% vốn của doanh nghiệp này vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2016. Ảnh minh họa (nguồn Vinamilk)

Thoái vốn thu về giá trị gấp đôi mệnh giá

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 20/10/2016, cả nước đã có 51 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 tổng công ty (TCT) nhà nước.

Tổng giá trị thực tế của 51 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 32.032 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 23.344 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 51 đơn vị là 23.086 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 11.133 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 346,1 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.126 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong tháng 10/2016, có 3 TCT báo cáo bổ sung tình hình thoái vốn tại các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm. Trong đó, Tổng công ty ACC thoái 10,4 tỷ đồng thu về 10,5 tỷ đồng; TCT Phát triển khu công nghiệp Đồng Nai thoái 3,8 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng; TCT Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn thoái 57,2 tỷ đồng, thu về 58,1 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, SCIC thoái vốn tại 5 DN với tổng giá trị 46,4 tỷ đồng, thu về 26,8 tỷ đồng. Giá thu về thấp hơn so với giá trị sổ sách bán ra do SCIC thoái vốn dưới mệnh giá tại 02 doanh nghiệp, gồm Công ty CP Sản xuất bì và hàng xuất khẩu thoái 6,2 tỷ đồng, thu về 3,7 tỷ đồng; Công ty CP Doximeco thoái 26,7 tỷ đồng, thu về 2,6 tỷ đồng.

Lũy kế 10 tháng năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.352 tỷ đồng, thu về 6.4078 tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã thoái được 481 tỷ đồng vốn đầu tư tại 5 lĩnh vực nhạy cảm, thu về 441 tỷ đồng. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư là do TCT Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, chỉ thu về 18,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các TĐ, TCT đã thoái 1.382 tỷ đồng vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên, thu về 2.121 tỷ đồng.

10 tháng, SCIC đã bán vốn tại 59 DN với giá trị là 1.489 tỷ đồng, thu về 3.844 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 10 tháng năm 2016, các TĐ, TCT, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành đầy đủ, tạo thuận lợi cho các DN thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao.

Cùng với đó, số lượng DN thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt. Quản trị DN tiếp tục được đổi mới…

Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng, do phải xử lý tiếp các đơn vị chưa hoàn thành của giai đoạn 2011 – 2015. Ngoài ra do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý…

Hàng loạt cơ chế gỡ vướng sắp được ban hành

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, quá trình cổ phần hóa DNNN sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, đối tượng cổ phần hóa tiếp tục được mở rộng tới các TĐ, TCT lớn đòi hỏi phải có các cơ chế liên quan hướng dẫn phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN, tổ chức định giá sát với giá thị trường.

Đồng thời, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình cổ phần hóa với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, góp phần đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN sau cổ phần hóa, hạn chế thất thoát vốn và tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Theo đó, tới đây sẽ có một loạt các cơ chế, chính sách mới được ban hành, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN.

Được mong chờ nhất trong số đó, là Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg theo hướng thu hẹp lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn. Thực hiện cổ phần hóa toàn bộ các DN còn lại theo các tỷ lệ Nhà nước nắm giữ trên 65% tổng số cổ phần, từ 50%-65% tổng số cổ phần và dưới 50% tổng số cổ phần của DN sau khi cổ phần hóa. Đi kèm với đó là danh sách DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện.

Tiếp đó, cơ chế về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế các Nghị định: 59/2011/NĐ-CP, 189/2013/NĐ-CP và 116/2015/NĐ-CP) cũng sẽ được hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý để thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng phù hợp với đối tượng cổ phần hóa và yêu cầu giai đoạn mới.

Các quy định mới này sẽ xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, công nợ, lao động của các DN cổ phần hóa; bổ sung áp dụng phương thức bán cổ phần lần đầu (phương thức dựng sổ) phù hợp với thông lệ quốc tế. Quy định rõ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, điều chỉnh phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cho phù hợp với giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá bán thành công thấp nhất của cuộc bán đấu giá công khai.

Cùng với đó, sẽ điều chỉnh chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động theo hướng quy định rõ người lao động chỉ phải thanh toán 60% giá trị một cổ phần mua ưu đãi tính theo mệnh giá; quy định rõ và quản lý chặt chẽ tiền thu từ cổ phần hóa các DN.

Đi kèm với đó là tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có liên quan thông qua việc bổ sung đối tượng phải thực hiện Kiểm toán Nhà nước trước khi công bố giá trị DN; tiếp tục gắn kết quá trình cổ phần hóa với việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đảm bảo cho các nhà đầu tư sau khi mua cổ phần lần đầu sẽ được thực hiện giao dịch trên thị trường; quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia trong quá trình cổ phần hóa.

Cùng với các chính sách trên, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, cơ chế về hoạt động của DNNN (thay thế các Nghị định: 172/2013/NĐ-CP; 69/2014/NĐ-CP; 128/2014/NĐ-CP và Quyết định 35/2013/QĐ-TTg) cũng sẽ được hoàn thiện để thực hiện sắp xếp, tăng cường minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành TĐ, TCT. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban điều hành và xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện đúng quy định. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước đối với các TĐ, TCT.

Ngoài ra, sẽ hoàn thiện cơ chế về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN (thay thế Nghị định 99/2012/NĐ-CP).

Thành lập cơ quan quản lý để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, quản lý sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và đánh giá hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào DN. Đồng thời có cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp.

Tin mới lên