Tài chính

Cổ đông tại TEDI: Người lao động nắm quyền phủ quyết

Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (TEDI) là trường hợp hiếm hoi mà tập thể người lao động giữ vai trò là cổ đông lớn, đủ sức phủ quyết ngay cả khi Nhà nước thoái 100% vốn.

Cổ đông tại TEDI: Người lao động nắm quyền phủ quyết

Tedi vẫn đang là "anh cả" trong mảng tư vấn thiết kế các công trình giao thông

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, TEDI vừa trình cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phương án chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược của đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực GTVT này, theo phương thức đã được Chính phủ chấp thuận vào giữa tháng 12/2015.

Cụ thể, TEDI dự kiến chào bán 30% trong tổng số 3.625.000 triệu cổ phần hiện do Nhà nước nắm giữ (tương ứng 29% vốn điều lệ) theo hình thức đấu giá theo lô; phần còn lại sẽ được bán theo giá thỏa thuận cho người lao động.

Được biết, 2 đối tượng nằm trong danh sách ngắn mà TEDI trình Bộ GTVT đều là những cổ đông chiến lược tại Tổng công ty là Công ty Oriental Consultant Company Limited (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON.

"Hai nhà đầu tư chiến lược đều đã đăng ký tham gia đấu giá, đồng thời cam kết đồng hành cùng Tổng công ty phát triển doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức chính trị xã hội như Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên...  thực hiện các nhiệm vụ, tiếp tục phát triển bền vững", ông Bùi Doãn Toản, Chủ tịch HĐQT TEDI cho biết.

Hiện chưa rõ 1.087.500 cổ phần của Nhà nước dự kiến thoái sẽ thuộc về FECON hay đối tác Nhật Bản, nhưng giá bán đề xuất mà TEDI đưa ra sẽ không thấp hơn giá khởi điểm theo chứng thư thẩm định giá, cộng với chi phí bán/số cổ phần chào bán.

Điểm thú vị nhất trong phương án thoái vốn mà TEDI trình Bộ GTVT là việc tập thể người lao động nhiều khả năng trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn xây dựng cầu đường này.

"Sẽ có khoảng 2,53 triệu cổ phần được dành cho những người lao động chất lượng cao và có cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp", ông Bùi Doãn Toản, Chủ tịch HĐQT TEDI cho biết.

Chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 6/2015 với số vốn điều lệ là 125 tỷ đồng, TEDI có cơ cấu vốn góp khá hài hòa: Bộ GTVT nắm 29%, hai nhà đầu tư lớn là FECON 25,76%, Oriental Consultan (OC) – công ty tư vấn hàng đầu Nhật Bản nắm 15,4%; số còn lại do người lao động và tổ chức công đoàn cơ sở của Tổng công ty sở hữu gần 30% và một số cổ đông nhỏ lẻ khác.

Như vậy, trong trường hợp người lao động tại TEDI quyết tâm dốc túi, thì lượng cổ phần mà họ nắm giữ có thể lên tới gần 50% vốn điều lệ. Khi đó, họ sẽ trở thành cổ đông lớn nhất trong công ty cổ phần này.

Đây cũng là phương án mà tập thể người lao động cũng như nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước tại TEDI kiến nghị với Chính phủ gần 1 năm qua, nhằm tránh cho TEDI không bị "tan đàn, sẻ nghé" do sự chia tay với các kỹ sư đầu đàn vốn là tài sản quý gia nhất trong một doanh nghiệp tư vấn.

Theo ông Bùi Doãn Toản, việc thoái toàn bộ vốn nhà nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tái cơ cấu triệt để và tham gia sâu rộng hơn nữa vào thị trường xây dựng mà trước đây TEDI buộc phải đứng ngoài do bị bó buộc bởi "thân phận" là doanh nghiệp  trực thuộc Bộ GTVT.

"Sau khi hoàn thành việc thoái vốn nhà nước, Tổng công ty được phép tham gia đấu thầu tất cả dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định của các tổ chức cho vay quốc tế", ông Toản khẳng định.

Trước đó, trong văn bản góp ý phương án thoái vốn đặc biệt tại TEDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải pháp này không chỉ hình thành thế chân vạc đặc biệt trong cơ cấu cổ đông, mà còn hạn chế nguy cơ chảy máu chất xám, giúp đơn vị giữ được đội ngũ chuyên gia giỏi, giầu kinh nghiệm. "Cần phải đảm bảo tổng số cổ phần do người lao động nắm giữ trong doanh nghiệp tối thiểu là 35% để có quyền phủ quyết đối với các vấn đề quan trọng của công ty cổ phần", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị.

Tin mới lên