Tài chính

Cổ phần hóa 6 tháng: 39 đơn vị, vốn điều lệ hơn 27 ngàn tỷ đồng

(VNF) - Lũy kế 06 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 22/6/2016) đã có 39 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 06 Tổng công ty.

Cổ phần hóa 6 tháng: 39 đơn vị, vốn điều lệ hơn 27 ngàn tỷ đồng

Theo một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, trong tháng 6/2016, không có đơn vị nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa và đã có 01 doanh nghiệp được phê duyệt giá trị doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 14/6/2016, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quyết định công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam, theo đó giá trị thực tế của Tổng công ty 14.227 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 4.980 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Lũy kế 06 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 22/6/2016) đã có 39 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 06 Tổng công ty, cụ thể: 02 Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (công ty mẹ và 4 công ty con), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (công ty mẹ và 5 công ty con); 01 Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Tư vấn xây dựng VN (VNCC); 01 Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng công ty 36 (công ty mẹ và 01 công ty con); 02 Tổng công ty thuộc Bộ NN&PTNT là Tổng công ty Lâm nghiệp (công ty mẹ và 6 công ty con) và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.

Tổng giá trị thực tế của 39 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 27.061 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 21.631 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho hay theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 39 đơn vị là 21.069 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 9.890 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.050 tỷ đồng, bán cho người lao động 258 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 1,8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 3.868 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa DNNN vẫn chưa đạt được như kỳ vọng vì một số nguyên nhân như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm, do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa không đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công chưa cao, nhiều doanh nghiệp sau bán cổ phần lần đầu vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.

Đặc biệt, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.

Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Tin mới lên