Tài chính

Cổ phần hóa cần được 'tập trung cao độ' trong năm 2017

(VNF) - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được "tập trung cao độ" trong năm 2017. Đây là thông điệp được ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu lên tại Quốc hội sáng nay (3/11).

Cổ phần hóa cần được 'tập trung cao độ' trong năm 2017

Cổ phần hóa giúp cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn theo đánh giá của lãnh đạo Quốc hội lẫn Chính phủ

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua, theo ông Phùng Quốc Hiển, là đã "tương đối tốt". Theo đó, hầu như tất cả các công ty cổ phần hóa làm ăn tốt hơn lúc chưa cổ phần hóa. 

Bài học để thúc cổ phần hóa

Theo ông Hiển, kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua là bài học kinh nghiệm để cố gắng đẩy mạnh cổ phần hóa. Cổ phần hóa tốt thì chúng ta sẽ huy động được một nguồn lực rất lớn từ các doanh nghiệp nhà nước để sau khi cổ phần chúng ta đưa nguồn vốn này cung cấp cho thị trường.

"Như vậy, vấn đề cổ phần hóa không chỉ chuyển đổi mô hình của loại hình doanh nghiệp mà đây cũng là giải pháp để chúng ta thu hút nguồn vốn đưa vào xã hội để phát triển. Tôi đề nghị năm 2017 cần phải tập trung cao độ để chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa", ông Hiển nói.

Đi vào chi tiết, Phó chủ tịch Quốc hội nói hiện nay Việt Nam có chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, chẳng hạn Bộ Giao thông vận tải đã cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải.

"Chúng tôi thấy hiệu quả rất cao, nếu chúng ta đẩy mạnh việc xã hội hóa một số trường đại học, một số viện nghiên cứu, một số bệnh viện lớn mà chúng ta chuyển thành tư nhân thì tư nhân sẽ quản lý tốt, sẽ chăm lo bộ máy và nguồn lực từ nhà nước của chúng ta không đổ vào các cơ quan này để nuôi bộ máy nữa, đồng thời ta phát huy được nguồn vốn tư nhân rất tốt", ông Hiển đánh giá.

Do đó, theo Phó chủ tịch Quốc hội, cần đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và y tế, những bệnh viện tốt, những trường đại học tốt để đẩy mạnh cổ phần hóa và như thế sẽ giúp giải phóng được nguồn lực cho nền kinh tế. 

"Có như thế chúng ta sẽ giảm được kinh tế sự nghiệp vì hiện nay viên chức nằm trong y tế và giáo dục của chúng ta rất đông, nếu ta cổ phần hoá được ta giảm được chi thường xuyên đồng thời cũng có nguồn lực mới. Tôi đề nghị nhiệm vụ này cần đặc biệt quan tâm", vị lãnh đạo từng có nhiều trải nghiệm về quản lý tài chính đề xuất.

Cổ phần hóa xong, làm ăn tốt hơn

Trước đó, trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về công tác cổ phần hóa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký trình Quốc hội đã cho thấy những kết quả kinh doanh tích cực từ các doanh nghiệp cổ phần hóa so với trước.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo của các DNNN đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015, kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa, cụ thể: vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Cổ phần hóa được kỳ vọng sẽ giúp những doanh nghiệp như Vietnam Airlines kinh doanh hiệu quả hơn

Đến nay, hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn, từ chỗ năm 2010 còn gần 1.500 doanh nghiệp, sau khi tích cực thực hiện cổ phần hóa, tính đến hết năm 2015 chỉ còn 652 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.

Bộ Tài chính đánh giá cổ phần hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Hiện nay, đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước (khoảng 450/700 doanh nghiệp niêm yết).

"Cổ phần hóa đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới sắp xếp doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, tạo ra động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp", báo cáo viết.

Tin mới lên