Tài chính

Cổ phần hóa ngành Công Thương: Một loạt ông lớn sẽ 'chào sân'

(VNF) - Quý I/2016, Bộ sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa 3 tổng công ty gồm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp.

Cổ phần hóa ngành Công Thương: Một loạt ông lớn sẽ 'chào sân'

Ông lớn VEAM đã vào danh sách cổ phần hóa sớm đầu năm tới

Theo thông tin từ Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, dự kiến năm 2015 và quý I/2016, Bộ sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa 3 tổng công ty gồm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp.

Bên cạnh đó, 4 Công ty TNHH MTV gồm  Điện máy và Đầu tư, Xây lắp và vật liệu xây dựng, Thực phẩm và đầu tư công nghệ Fococoev, Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC cũng sẽ được cổ phần hóa.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay đầu quý I/2016, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trong kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, ở giai đoạn mới 2016-2020, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải thực hiện tốt công tác thoái vốn cũng như thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Bộ Công Thương sẽ tổ chức diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các doanh nghiệp đã cổ phần hóa của ngành. 

Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành và chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty TNHH MTV Điện máy, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH Viện máy và dụng cụ công nghiệp IMI, Công ty TNHH MTV Caric, Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải trực thuộc Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp.

Trong số này, có 3 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối là Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH MTV Caric trực thuộc Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp). 

Theo ông Phan Đăng Tuất, Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn tại các doanh nghiệp ngành Công Thương đã gặp rất nhiều vướng mắc về tài chính, tái cơ cấu, lao động… liên quan tới việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, IPO và thành lập doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh hoạt động này, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, đề xuất các cơ chế đặc thù liên quan đến tài sản thanh lý, xử lý nợ tồn đọng không rõ nguồn gốc, giá nào để thoái vốn sau IPO và về nhà đầu tư nước ngoài.

Từ những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn và cổ phần hóa, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và có phương hướng cụ thể, tìm ra những giải pháp thực hiện kế hoạch của năm 2015 cũng như giai đoạn 2016 -2020. 

"Trong khi chờ Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải thì các doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn để đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, năm 2016, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn kêu gọi xúc tiến đầu tư vào các doanh nghiệp đã cổ phần hóa của ngành Công Thương", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Tin mới lên