Tài chính

Cổ phiếu tăng kịch trần, vốn hóa ACV tăng gần 1 tỷ USD sau một ngày

(VNF) – Cổ phiếu ACV tăng kịch trần 40% sau ngày giao dịch đầu tiên, đưa giá trị vốn hóa của ACV tăng từ mức 2,4 tỷ USD lên mức gần 3,4 tỷ USD. Giá cổ phiếu ACV dự báo sẽ tiếp tục tăng khi vẫn còn 2 triệu cổ phiếu ACV ở trạng thái dư mua trần.

Cổ phiếu tăng kịch trần, vốn hóa ACV tăng gần 1 tỷ USD sau một ngày

Giá trị vốn hóa ACV tăng gần 1 tỷ USD chỉ sau một ngày

Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tăng kịch trần 40%, từ mức giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu lên mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng khối lượng giao dịch đạt mức 549.000 cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch là hơn 19.125.000.000 đồng, trong đó, khối ngoại giao dịch 42.300 cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 1.480.500.000 đồng. Hiện vẫn còn hơn 2 triệu cổ phiếu ACV ở trạng thái dư mua trần.

Với số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 2.177 triệu cổ phiếu, cùng mức giá kết thúc giao dịch ngày 21/11 là 35.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của ACV đã ở mức 76.195 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 3,4 tỷ USD, nghĩa là tăng gần 1 tỷ USD chỉ sau một ngày.

Đây là kịch bản đã được dự báo trước, khi ACV có sức hấp dẫn rất lớn từ việc độc quyền trong lĩnh vực cảng hàng không, số lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường ít, lại được hưởng lợi tâm lý từ hiệu ứng tăng giá cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trước đó.

Sân bay ACV

Giá trị vốn hóa ACV tăng gần 1 tỷ USD chỉ sau một ngày, Bộ Giao thông Vận tải hưởng lợi nhiều nhất

Cổ đông hưởng lợi nhất sau khi cổ phiếu ACV tăng giá kịch trần 40% trong ngày giao dịch đầu tiên là Bộ Giao thông Vận tải khi đơn vị này hiện đang sở hữu tới 95,4% cổ phần của ACV. Đây là tín hiệu tốt thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tiếp theo tại ACV nói riêng và của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước lớn nói chung.

Tính đến hết ngày 30/09/2016, tổng tài sản của ACV ở mức 45.676 tỷ đồng, trong đó, có tới 3.998 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 12.518 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm.

Nợ phải trả của ACV hiện ở mức 23.678 tỷ đồng, trong đó có 16.091 tỷ đồng là nợ vay, chủ yếu là nợ vay dài hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của ACV ở mức 21.997 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của ACV gấp 1,08 lần vốn chủ sở hữu, còn nợ vay gấp 0,73 lần vốn chủ sở hữu.

Mặc dù sở hữu nguồn lực tài chính rất lớn nhưng tỷ suất sinh lời của ACV lại ở mức thấp khi tính trong năm 2015, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ACV chỉ là 3,9%, trong khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ACV cũng chỉ ở mức 8,5%. Nguyên nhân là bởi ACV độc quyền trong lĩnh vực hàng không nên tổng công ty này không được tự quyết mức giá dịch vụ hàng không (vốn chiếm 80% doanh thu) mà phải theo khung giá quy định của Bộ Tài chính.

Hiện ACV đang trình lên Bộ Giao thông Vận tải phương án tăng phí dịch vụ hàng không với mức tăng rất mạnh. Chẳng hạn như phí dịch vụ hành khách nội địa được đề xuất tăng tới 43%, từ mức 70.000 đồng/khách lên mức 100.000 đồng/khách hay tăng phí cất hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa thêm 43%. Nếu đề xuất này được phê duyệt, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận của ACV sẽ được cải thiện đáng kể.

Tin mới lên