Tài chính

CPI 6 tháng đầu năm tăng 1,72%, gấp đôi cùng kỳ năm trước

(VNF) - 6 tháng đầu năm nay, CPI có mức tăng 1,72%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015.

CPI 6 tháng đầu năm tăng 1,72%, gấp đôi cùng kỳ năm trước

Họp báo công bố tổng quan thị trường và giá cả tháng 6 và 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kì năm trước, tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước.

Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm hàng tăng. Trong đó: nhóm giao thông tăng cao nhất 2,99%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%.

Riêng nhóm bưu chính viễn thông có mức giảm 0,06%.

Nguyên nhân tăng CPI trong tháng 6 được xác định do trong tháng có hai đợt tăng giá xăng dầu dẫn đến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46%. Nhóm thực phẩm tăng do ảnh hưởng bởi tâm  lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung.

Ngoài ra các yếu tố thời tiết, lịch nghỉ hè của học sinh… cũng thúc đẩy chỉ số giá điện và chỉ số giá nhóm du lịch tăng, lần lượt là 1,27% và 0,48% so với tháng trước.

Tính trung bình trong 6 tháng đầu năm, CPI có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,39%, còn bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,72% so với cùng kì năm 2015.

Nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm được xác định do việc tăng học phí, viện phí và nâng lương tối thiểu của Chính phủ.

Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm, vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Giỗ tổ Hùng Vương, kỳ lễ 30/4, 1/5 đều được nghỉ kéo dài nên nhu cầu mua sắm, giải trí tăng cao khiến các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, giá lương thực, thực phẩm đều bật tăng mạnh. Theo đó, so với cùng kì 2015, bình quân 6 tháng chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,03%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,37%, nhóm may mặc tăng 2,47%, nhóm du lịch trọn gói tăng 2,5%.

Dù đơn hàng xuất khẩu gạo không còn nhiều, cộng thêm việc Thái Lan tuyên bố xả 11,4 triệu tấn gạo ra thị trường, song do thiên tai và thời tiết bất lợi, chỉ số giá lúa gạo trên thị trường 6 tháng đầu năm vẫn tăng 0,69%.

 Thời tiết nóng lạnh thất thường cũng là yếu tố đẩy chỉ số giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,08% so với cùng kì năm trước.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù mức tăng 1,72% của 6 tháng đầu năm nay cao hơn nhiều so với mức 0,86% của 6 tháng năm 2015, nhưng vẫn là mức tăng khá thấp so với cùng kì các năm trước.

Giá xăng dầu giảm, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, chính sách điều hành của các bộ, ngành và tình hình lãi suất, tỷ giá linh hoạt… được xem là nguyên nhân khiến CPI được kiềm chế.

Mặc dù vậy, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, từ đây đến hết năm 2016, sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu. 

Tin mới lên