Tài chính

Đề án cơ quan quản vốn nhà nước sẽ được trình Chính phủ trong quý II

(VNF) - Theo nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong quý II và trình Bộ Chính trị trong quý III/2017.

Đề án cơ quan quản vốn nhà nước sẽ được trình Chính phủ trong quý II

Tại các cuộc họp hoàn thiện Đề án do Bộ tổ chức mới đây, các ý kiến đóng góp tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

Theo Đề án, việc thành lập cơ quan chuyên trách nhằm thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; khắc phục những hạn chế của mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu hiện nay, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Một trong những mục tiêu của cơ quan mới này là nhằm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đồng thời, thực hiện một cách tập trung, thống nhất quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay vì phân tán ở nhiều cơ quan như hiện nay.

Trước đó, như VietnamFinance đã đề cập, dự thảo Nghị định thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước đã được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) soạn thảo và đưa ra thảo luận.

Theo mô tả của các chuyên gia chấp bút, Ủy ban sẽ "có người chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả và kết quả kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

Theo dự thảo nghị định, Ủy ban sẽ quản lý 9 tập đoàn và 21 Tổng công ty với tổng tài sản ước tính lên tới 2 triệu tỷ đồng (tương đương 100 tỷ USD). Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng quản lý số tài khoản khổng lồ này của ủy ban, song đại diện CIEM cho rằng, so rộng ra thì mấy trăm tỷ USD cũng không phải là lớn.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 3/2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết vẫn "chưa có chủ trương cuối cùng thành lập hay không thành lập".

"Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình lên Chính phủ kiến nghị thành lập một Ủy ban, không phải là ‘siêu ủy ban’, quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ. Việc này tương đối lớn, hiện nay Chính phủ dự kiến là trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao hơn, chứ quy định thì chưa có quy định về vấn đề này", ông Thu nói.

Hiện tổng giá trị tài sản của các DNNN đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước trên 1,3 triệu tỷ đồng, chưa kể phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác. Trách nhiệm quản lý các nguồn lực quan trọng này hiện đang được phân công, phân cấp cho các bộ, UBND cấp tỉnh theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP tuy nhiên do cơ chế phân chia chức năng chủ sở hữu cho nhiều cơ quan nên khó xác định được đầu mối chịu trách nhiệm khi xảy ra những sai phạm, thất thoát, mất vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp trong thời gian qua.

Tin mới lên