Tài chính

Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán tương đương 42% GDP

(VNF) – Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 đạt mức 1.765.000 tỷ đồng, tương đương 42% GDP, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán tương đương 42% GDP

Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2016 đạt 1,76 triệu tỷ đồng, tương đương 42% GDP

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và chương trình công tác năm 2017 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức, Chủ tịch Vũ Bằng cho biết, năm 2016, mặc dù chịu nhiều tác động bởi tình hình thế giới nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, được đánh giá là 1 trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 15%, HNX-Index tăng 0,8%; mức vốn hóa thị trường đạt 1.765.000 tỷ đồng, tương đương 42% GDP. Thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân thị trường đạt 6.860 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với cuối năm 2015.

Về hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, thị trường chứng khoán ghi nhận 695 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 377 cổ phiếu đăng ký giao dịch với tổng giá trị niêm yết đạt 712.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015. Đồng thời, thị trường cũng ghi nhận 590 mã trái phiếu với tổng giá trị niêm yết là 934.000 tỷ đồng, tăng 22,5%.

Về huy động vốn, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt 348.000 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 54% so với năm 2015. Riêng huy động qua cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước 11 tháng đầu năm 2016 đạt gần 8.100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2015; tỷ lệ thành công cũng gia tăng từ mức 40% năm ngoái lên mức 60% năm nay.

Về hoạt động đầu tư, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,67 triệu tài khoản, tăng 6% so với năm 2015.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng

Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2016 tương đương 42% GDP

Năm 2016 cũng là năm mà UBCKNN dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Một số điển hình có thể kể đến như: Nghị định 86 quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán; Nghị định 145 sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; ban hành 5 Thông tư, 1 Quyết định về: sửa đổi, bổ sung một số nội dung về hoạt động, thành lập của CTCK, quỹ mở; đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của các tổ chức KDCK; phí tại các Sở và TTLK; sản phẩm Covered Warrant; chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước.

Về công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đến nay, về cơ bản UBCKNN đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế. UBCKNN đã trình Bộ ban hành Thông tư 07/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán 9CTCK); Thông tư 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Số lượng Công ty Chứng khoán (CTCK) hoạt động bình thường hiện đang là 79 công ty, giảm 25% tổng số CTCK cuối năm 2015. Số lượng Công ty Quản lý quỹ đang hoạt động bình thường 46 công ty, với tổng số vốn điều lệ là 3.785 tỷ đồng, quản lý tổng khối lượng tài sản hơn 146 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 17,7% so với cuối năm 2015; số lượng quỹ đại chúng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các quỹ mở.

Về hoạt động quản lý, giám sát các công ty đại chúng, các tổ chức niêm yết, trong năm 2016, UBCKNN đã chấp thuận đăng ký công ty đại chúng cho 112 công ty, hủy đăng ký công ty đại chúng cho 33 công ty; hiện tại có 777 công ty đại chúng chưa niêm yết/đăng ký giao dịch. Thực hiện niêm yết mới cho 21 công ty, hủy niêm yết 17 công ty, đồng thời thực hiện đăng ký giao dịch mới cho 107 công ty trên UpCom. Hệ thống công bố thông tin IDS của UBCKNN đến nay đã có khoảng 1.670 công ty đăng ký sử dụng để thực hiện công bố thông tin và báo cáo.

Bước sang năm 2017, UBCKNN tiếp tục triển khai công tác phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, kiên trì công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đồng thời, đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, triển khai thị trường trái phiếu và các sản phẩm mới, bên cạnh đó là triển khai, thực thi các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin mới lên