Tài chính

Góc nhìn: Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ liệu có nở đẹp ở Cà Ná?

(VNF) – Siêu dự án thép Hoa Sen vẫn sẽ được triển khai trên vùng biển đẹp Cà Ná theo quyết định của đa số cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen. Nhưng còn đó hàng loạt mối lo vẫn ngổn ngang sau đại hội cổ đông bất thường vừa qua.

Góc nhìn: Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ liệu có nở đẹp ở Cà Ná?

Một bãi tắm đẹp ở Cà Ná, nơi Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai siêu dự án thép 10 tỷ USD

Vậy là cổ đông của Hoa Sen đã chọn thép Cà Ná. Sự tin tưởng và phần nào là danh dự của họ đã đặt cả lên vai ông Lê Phước Vũ và ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen. Quyết định ấy là đáng nhớ hay đáng quên thì còn phải chờ đợi ở thì tương lai, nhưng ở thời điểm hiện tại, hàng loạt mối lo vẫn ngổn ngang với dự án thép 10 tỷ USD của Hoa Sen ở Cà Ná sau đại hội cổ đông bất thường.

Ít ai ngờ rằng một phật tử tự giới thiệu mình "ăn chay trường" như ông Lê Phước Vũ lại lựa chọn ngành thép để đầu tư siêu dự án thay vì đầu tư vào các ngành khác ít ô nhiễm, độc hại và tiêu tốn năng lượng hơn. Tất nhiên về mặt kinh doanh thì không khó để hiểu được quyết định này vì thực tế các sản phẩm chủ lực của tập đoàn này như tôn mạ, ống thép... đều được sản xuất từ thép.

Vì rằng bản chất ngành thép là một ngành công nghiệp ô nhiễm và độc hại hàng đầu nên khi một siêu dự án thép được đặt trên một vùng biển đẹp thì nỗi xót xa không khỏi dấy lên và dư luận không thể không liên tưởng đến câu chuyện Formosa trước đó.

Liệu "sen có nở hoa" ở đất Cà Ná như mong muốn của ông Lê Phước Vũ?

Tuy nhiên, khách quan mà nói thì nhiều dự án lớn, nhiều khu liên hợp công nghiệp nặng vẫn đang được đặt ven biển, không chỉ có Formosa và dự án thép Hoa Sen Cà Ná, bởi vận tải khối lượng lớn là ưu thế của đường biển. Theo tính toán thì dự án thép Hoa Sen Cà Ná sẽ tiết kiệm được tổng cộng từ 300 – 400 triệu USD chi phí vận tải nhờ vào vị trí ven biển thuận lợi.

Thực ra kể cả khi siêu dự án thép này không ở Cà Ná mà ở đất liền thì nếu không chú trọng khâu xử lý ô nhiễm và chất thải thì khu vực đất liền đó vẫn sẽ bị tàn phá chẳng khác nào "Formosa trên đất liền".

Dù đặt vị trí dự án ở đâu đi chăng nữa thì mấu chốt vẫn là công nghệ mà Hoa Sen sử dụng cho dự án này. Lại một lần nữa, nghi vấn Hoa Sen sẽ sử dụng công nghệ Trung Quốc được dấy lên khi Chủ tịch Lê Phước Vũ phát biểu ngay trong đại hội cổ đông bất thường rằng, việc sử dụng công nghệ Trung Quốc là bình thường và nếu sử dụng công nghệ của Châu Âu thì giá thành sẽ rất cao, Hoa Sen không làm nổi.

Giữa lúc này thì trên thế giới đang nóng chuyện các dự án Trung Quốc liên tục bị các quốc gia từ chối. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR thì có 4 nguyên nhân chính dẫn đến điều này, bao gồm vấn đề môi trường, vấn đề xã hội, sự thiếu minh bạch trong đấu thầu và lo ngại về an ninh.

Nhưng kể cả khi sử dụng công nghệ của Trung Quốc thì liệu giá thành của thép Hoa Sen Cà Ná có cạnh tranh nổi với Trung Quốc hay không? Đây là điều rất đáng lo ngại bởi trong đại hội cổ đông bất thường vừa qua, ông Lê Phước Vũ đã tiết lộ một phần chiến lược của Hoa Sen, đó là "hiện nay hàng thép Trung Quốc bị đánh chống phá giá tại nhiều nước, do vậy Trung Quốc bị đánh ở đâu thì mình đi tới đó".

Chiến lược này nhìn qua thì có vẻ đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn, nhưng có điều gì đảm bảo rằng với sản lượng thép khủng khiếp thì thép Hoa Sen Cà Ná sẽ không bị các nước đánh thuế chống bán phá giá?

Ngay cả đối với thị trường Việt Nam thì tương lai vẫn rất bất định. Bởi khi dự án thép Hoa Sen Cá Ná đi vào vận hành thì sẽ có một lượng thép rất lớn đi vào thị trường nội địa khiến cung thị trường tăng vọt, kéo theo giá giảm, lợi nhuận ngành cũng theo đó mà giảm theo.

Khi đó sẽ không còn chuyện "Hòa Phát lãi khủng 2.000 tỷ trong một quý, vậy tại sao Hoa Sen không làm" như phát biểu của ông Lê Phước Vũ bởi giá giảm thì còn đâu lãi khủng. Lãi khủng trong thời gian gần đây của các doanh nghiệp thép, trong đó có Hòa Phát, phần nhiều là do tăng bảo hộ trong nước.

Nếu bảo hộ trong nước không còn được như hiện tại, lại thêm nền kinh tế nhỡ may có đi vào chu kỳ giảm, hoặc giả như có thép chất lượng mà giá thành hợp lý từ các nước TPP và Asean đổ vào với mức thuế 0% thì doanh nghiệp thép cũng hết chuyện lãi khủng. Thực tế thì Hòa Phát từng thường xuyên điêu đứng với sự cạnh tranh từ thép Trung Quốc trong thời gian các biện pháp bảo hộ không mạnh như hiện tại.

Dù gì thì siêu dự án thép Hoa Sen trên vùng biển đẹp Cà Ná vẫn sẽ được tiến hành và dù ủng hộ hay phản đối thì dư luận vẫn phải chờ xem Hoa Sen làm thế nào và chờ xem các cơ quan công quyền giám sát quá trình phát thải ở siêu dự án thép này ra sao.

Tin mới lên