Tài chính

Góc nhìn VNF: Cổ phiếu ngành thép tăng giá mạnh nhờ giá thép tăng

(VNF) - Rõ ràng việc thép tăng giá từ cuối năm 2015 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại không chỉ giúp các doanh nghiệp kinh doanh thép có trữ lượng hàng tồn kho hưởng lợi lớn mà còn giúp nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán kiếm lời từ việc đầu tư vào các cổ phiếu ngành thép giai đoạn này.

Góc nhìn VNF: Cổ phiếu ngành thép tăng giá mạnh nhờ giá thép tăng

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kể từ cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 đến nay, nhu cầu về phôi thép và thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng trưởng. 

Đặc biệt là kể từ khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài đến nay, giá của các sản phẩm thép trên thị trường Việt Nam tăng mạnh và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thép tăng giá, đâu là nguyên nhân chính?

Thời điểm cuối năm 2015, xuất phát từ đơn kiện của bốn công ty sản xuất thép trong nước là Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty Cổ phần Thép Việt Ý về việc lượng thép nhập khẩu gia tăng hơn 3 lần so với năm 2014, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật về tự vệ của Việt Nam.

Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ tạm thời, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Tính từ đó tới nay, giá thép trong nước liên tục tăng nhất là nguyên liệu thép và thép xây dựng công trình.

Theo thống kê của VSA, nhu cầu thép trong tháng tháng 3 thường cao nhất trong tất cả các tháng do là cao điểm mùa xây dựng và tâm lý găm hàng tích trữ đầu cơ. Đặc biệt tháng 3 năm nay, lượng tiêu thụ thép cao nhất so với tất cả các năm. 

Tổng lượng thép xây dựng mà các doanh nghiệp sản xuất thép đã tiêu thụ được lên đến 1,011 triệu tấn, tăng đến 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 200.000 tấn so với năm ngoái.

Áp thuế tự vệ chỉ là một nguyên nhân, một nguyên nhân khác khiến giá thép trong nước tăng mạnh thời gian qua là bởi thị trường nguyên liệu thép thế giới tăng giá trở lại sau thời gian dài giảm sút.

Hiện tại, giá phôi thép giao dịch ở mức 330 USD/tấn (tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1/2016), giá thép phế liệu ở mức 220 USD/tấn (tăng khoảng 20%).
Việt Nam đang là quốc gia phụ thuộc 100% nguyên liệu sản xuất thép từ thế giới, thế nên việc mới đây giá thép cán nóng tại nhà máy Benxi, Bengang đang tăng mạnh (ngày 8/4 tăng 7%) khiến các đơn hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị ứ đọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thép Việt Nam.

Đi tìm nguyên nhân đà tăng giá thép chưa dừng lại thì việc áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch VSA, có nhiều yếu tố làm tăng giá thép nhưng nguyên nhân lớn nhất là ảnh hưởng từ Trung Quốc.

"Hai năm trước, thị trường nguyên liệu thép giảm quá sâu do áp lực cạnh tranh với các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu ra toàn cầu 112 triệu tấn thép với giá bán thấp gây lỗ 10 tỷ USD. Trung Quốc không thể tiếp tục giảm giá bù lỗ nên năm 2016 đã tăng giá bán ra thị trường. Điều này tác động đến thị trường thế giới, dẫn đến thép tăng giá", ông Sưa cho hay.

Cổ phiếu ngành thép hưởng lợi lớn

Cũng theo ông Sưa, khi mà thép cán nóng tăng mạnh cộng với việc nhiều doanh nghiệp Việt không nhập khẩu được nguyên liệu đầu vào thì những doanh nghiệp lượng hàng tồn kho vẫn còn sẽ có thế mạnh cạnh tranh trong thời gian tới. 

Đặc biệt là với các doanh nghiệp nhập khẩu thép cuộn cán nóng về làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thép cán nguội, tôn mạ màu, ống thép như Tôn Hoa Sen (HSG), Posco Việt Nam, Nam Kim, Tôn Đông Á… sẽ có nhiều lợi thế.

Lợi thế của các doanh nghiệp ngành thép còn được được biểu hiện ngay chính trên Sàn giao dịch chứng khoán khi mà "sóng thép" kéo nhiều mã cổ phiếu tăng dài từ đầu năm đến nay.

Ngoài cổ phiếu Thép Việt Ý và Thép Hòa Phát tăng không nhiều, chỉ xấp xỉ 10% từ đầu năm đến nay, thì rất nhiều mã cổ phiếu ngành thép khác tăng mạnh. Đáng kể đầu tiên là "ông lớn" HSG của Tập đoàn Hoa Sen, tăng từ mức 31 - 32.000 đồng đầu năm 2016 tới mức 40.000 đồng hiện tại, mức tăng đạt 25 - 30% trong hơn 3 tháng. 

Ngoạn múc nhất trong đợt tăng này của ngành thép phải kể đến cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên, đã tăng mạnh từ mức 3.100 đồng đầu tháng 3/2016 lên mức giá xấp xỉ 8.000 đồng hiện tại, tăng gần 3 lần.

Thực tế việc tăng mạnh của cổ phiếu TLH không phải ngẫu nhiên mà do giá vốn hàng tồn kho của doanh nghiệp này khoảng 800 tỷ trong khi giá thị trường đã lên đến 1.200 tỷ, sẽ mang đến mức tăng trưởng bất ngờ cho doanh nghiệp này trong quý I.

Cổ phiếu VGS của ống thép Việt Đức cũng đã chạm mức 10.500 đồng mấy phiên gần đây từ mức khoảng 5.300 - 5.500 đồng hồi đầu năm, với mức sinh lợi 70-80% chỉ trong 3 tháng. Đây cũng là doanh nghiệp đã tái cấu trúc và có lượng hàng tồn kho đáng mơ ước ở thời điểm này.

Còn rất nhiều mã chứng khoán nghành thép khác tăng giá trong đợt này như Thép Pomina (POM), thép Nam Kim (NKG)…hứa hẹn mang lại mức sinh lời đáng mơ ước cho nhà đầu tư vào ngành thép khi mà đà tăng giá thép chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tin mới lên