Tài chính

Hàng trăm ngàn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn: Tiêu vào đâu cho hiệu quả

Lo bị pha loãng nếu hòa hàng trăm ngàn tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào nguồn vốn đầu tư trung hạn, giới chuyên gia kinh tế đang đề nghị cách chi tiêu riêng biệt.

Hàng trăm ngàn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn: Tiêu vào đâu cho hiệu quả

Dùng số tiền thu về từ thoái vốn, cổ phần hóa để phát triển kết cấu hạ tầng tại các đầu tàu kinh tế sẽ giúp kinh tế có thêm động lực tăng trưởng. Trong ảnh: Nút giao thông Cát Lái (TP.HCM) đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đường bộ. Ảnh: Lê Toàn

Chọn mặt gửi vàng

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhắc tới HFIC (Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM) với khoản 67.000 tỷ đồng (mà Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý sẽ bổ sung từ nguồn vốn cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp) trong phương án tiêu nguồn vốn này thế nào cho hiệu quả.

"HFIC cần khoản này để trở thành định chế huy động vốn phát triển hạ tầng cho TP. HCM. Khi đầu tàu kinh tế giải quyết được nút thắt hạ tầng, thì sẽ kéo theo các hoạt động đầu tư, kinh doanh khác. Hoạt động này sẽ tạo ra tăng trưởng cho GDP", ông Cung phân tích.

Tất nhiên, ông Cung không chọn TP.HCM với tư cách là một địa phương riêng biệt, mà là đầu kéo cho cả vùng tứ giác, cùng với Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thậm chí, ông Cung cũng đã tính, nếu khu vực tứ giác này có thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng thì sẽ góp thêm lực lớn cho tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế.

Tên một số dự án trong danh mục phân bổ từ nguồn vốn này cũng được liệt kê cụ thể, gồm mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, giải phóng mặt bằng khu vực Sân bay Long Thành; các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM kết nối với Bình Dương, Đồng Nai, các tuyến đường kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải…

Với phân tích tương tự, các dự án hạ tầng kết nối khu vực Hà Nội cũng được nhắc tới trong việc sử dụng nguồn vốn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN.

Giới chuyên gia cho rằng, việc kích thích tăng trưởng vào các khu vực có nguồn lực và tiềm lực lớn sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Như vậy, bên cạnh các giải pháp kích thích nguồn lực khác, nhất là khu vực tư nhân, thì đầu tư công cũng sẽ phải tiếp tục đổ vào đây.

Tuy nhiên, thực tế hiệu quả đầu tư công thấp đang đặt kinh tế Việt Nam vào thế được coi là "tiến thoái lưỡng nan". Theo đó, nếu mở rộng đầu tư công mà không nâng cao quản trị, trần nợ công và bất ổn kinh tế có thể tăng, nhưng nếu thắt chặt hoặc chậm giải ngân, thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fullbright Việt Nam) cũng đã nhắc tới những lưỡng lự trong các quyết định phân bổ nguồn vốn công trung hạn. Mặc dù nguyên tắc khá rõ là, nền kinh tế cần đầu tư công không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, nhưng trong giai đoạn trước, đầu tư công ở mức cao so với quy mô nền kinh tế, song kém hiệu quả, nên tài sản tạo ra không được là bao.

"Để có tăng trưởng trong giai đoạn này vẫn phải đầu tư công, nhưng thực tế nguồn lực đang khó khăn. Để đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công, thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong DNNN", ông Thành khuyến nghị.

Chia sẻ quan điểm trên, nhưng ông Cung khuyến nghị sử dụng tách bạch khoản vốn này vào các dự án ưu tiên cụ thể.

"Đây là cách giám sát được việc sử dụng nguồn vốn nhà nước thu lại từ các DNNN, đảm bảo đúng nguyên tắc phân bổ lại nguồn lực nhà nước. Nếu hòa nguồn này vào vốn đầu tư trung hạn, có thể mục tiêu này khó định lượng", ông Cung đề xuất.

Có nên đầu tư tiếp vào DNNN?

Điểm đặc biệt là, giới chuyên gia không muốn danh sách phân bổ nguồn lực này có tên DNNN và các doanh nghiệp có vốn nhà nước, cho dù khu vực này đang nắm giữ nguồn lực rất lớn của nền kinh tế.
Ông Đặng Đức Đạm, chuyên gia kinh tế, nhắc lại chuyện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dùng tiền thu được từ thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp thuộc quyền mình đi gửi tiết kiệm và mua trái phiếu khi đi tìm lời giải cho câu hỏi khoản tiền này nên đổ vào đâu cho hiệu quả.

"Tôi mà là SCIC có lẽ cũng chọn cách này, vừa an toàn, vừa có lợi nhuận. Chứ đầu tư như đổ 1.000 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) như vừa qua còn tệ hơn, có khi mất hết", ông Đạm thẳng thắn.

Khoản 1.000 tỷ đồng này vừa rồi đã được rút về, nhưng "cũng may" là cả năm 2016 đã không phát sinh việc thanh toán cho Dự án Cải tạo mở rộng giai đoạn II, nên tiền vẫn còn đó. Đây là khoản tiền Tisco phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho SCIC để thanh toán các hạng mục đầu tư của Dự án Cải tạo mở rộng giai đoạn II.

Cũng phải nói thêm, trong giai đoạn 2011 - 2015, một trong những mục tiêu chính của cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp là để cơ cấu lại danh mục tài sản của nhà nước đang nằm rải rác ở nhiều ngành nghề, nhiều địa phương. Nhưng mục tiêu này dường như không đạt được nếu nhìn vào khoản tiền thu về cũng như việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư của Nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính lũy kế từ năm 2012 đến ngày 28/10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng (bao gồm cả thoái vốn đầu tư ngoài ngành), chỉ tương đương 2% giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN trong cùng thời kỳ.

Như vậy, việc cổ phần hóa hàng trăm DNNN trong giai đoạn thực hiện kế hoạch tái cơ cấu 2011 - 2015 và từ năm 2016 đến nay hầu như không làm thay đổi cơ cấu nguồn lực của DNNN như kế hoạch. Thậm chí, ông Đạm cho rằng, nếu khoản tiền này đổ lại các DNNN, nhất là các DN không thuộc diện nhà nước ưu tiên đầu tư, thì mục tiêu thu hẹp dần vốn nhà nước trong kinh doanh lại bị đi ngược.

Thậm chí, nghiên cứu của CIEM còn chỉ ra, tốc độ tăng vốn và tài sản của DNNN còn nhanh hơn tốc độ tăng của phần thu về từ bán vốn nhà nước cho các thành phần kinh tế. Nhiều trường hợp DNNN cổ phần hóa không thoái vốn nhà nước, mà lại gọi thêm vào, khiến khu vực DNNN phình to ra.

"Phải có tư duy lại về phân bổ nguồn lực nhà nước cho nền kinh tế, nghĩa là thu từ DNNN để giải quyết các vấn đề cấp bách của nền kinh tế như cơ sở, hạ tầng an sinh xã hội, môi trường sinh thái..., chứ không phải là phân bổ lại nguồn vốn nhà nước trong doanh nghiệp", ông Đạm nhấn mạnh. Đây cũng là cách để các DNNN bỏ thói quen trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tham gia thực sự vào thị trường.

Tin mới lên