Tài chính

Hé lộ tình hình tài chính đáng chú ý của Novaland trước ngày lên sàn

(VNF) – Nhiều thông tin tài chính đáng chú ý của Novaland trước ngày lên sàn đã được hé lộ, từ lợi nhuận, doanh thu đến dòng tiền và cả vấn đề vay nợ. Mỗi thông tin tài chính trên đều có những điểm đặc biệt riêng.

Hé lộ tình hình tài chính đáng chú ý của Novaland trước ngày lên sàn

Nhiều thông tin tài chính đáng chú ý của Novaland được hé lộ trước ngày lên sàn

Novaland, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu miền Nam, vừa chính thức thông báo sẽ niêm yết 590 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 12/2016 với giá trị tính theo mệnh giá là gần 6.000 tỷ đồng. Ngày 12/12 vừa qua, Novaland đã chính thức chốt danh sách cổ đông trước ngày lên sàn.

Sở dĩ việc Novaland lên sàn rất được giới đầu tư quan tâm, không chỉ là bởi Novaland là "ông lớn" địa ốc Sài Gòn với thương hiệu mạnh và quỹ đất dồi dào, mà còn bởi Novaland nhiều khả năng sẽ trở thành doanh nghiệp tỷ USD khi niêm yết.

Cách đây không lâu, Novaland đã phát hành riêng lẻ khoảng 10% cổ phần cho 18 nhà đầu tư, thu về 120 triệu USD, tương đương mức định giá trên 1,2 tỷ USD. Còn nếu tính theo thị giá cổ phiếu Novaland hiện đang được giao dịch ở mức 58.000 – 61.000 đồng/cổ phiếu, Novaland đang được định giá ở mức 1,52 – 1,6 tỷ USD. Theo nhiều nguồn tin, Novaland hiện đang được định giá trên 1,35 tỷ USD.

Lợi nhuận liên tiếp tăng nhanh, doanh thu thì không

Cách đây chỉ 2 năm, không ai nói Novaland là "ông lớn" trên thị trường địa ốc nếu xét về lợi nhuận, bởi lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng chỉ ở mức trung bình. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Novaland đạt mức 96,2 tỷ đồng, nghĩa là còn chưa lên được mức 3 con số.

Ấy vậy mà sang đến năm 2015, lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng lên chóng mặt. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Novaland đạt mức 442 tỷ đồng, tăng tới 360% so với con số của năm 2014. Theo số liệu mới nhất, 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Novaland lên đến 1.561 tỷ đồng, tăng 253% so với cả năm 2015 và hoàn thành 94,6% kế hoạch năm 2016.

Sang năm 2017, Novaland đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế ở mức 3.144 tỷ đồng, tăng 90,6% so với con số kế hoạch của năm 2016, tương đương mức tăng 1.494 tỷ đồng.

Hé lộ tình hình tài chính đáng chú ý của Novaland trước ngày lên sàn

Lợi nhuận của Novaland liên tiếp tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng doanh thu lại không duy trì được tốc độ tăng nhanh liên tiếp

Mặc dù lợi nhuận liên tiếp gia tăng với tốc độ rất nhanh, nhưng doanh thu của Novaland không duy trì được tốc độ tăng nhanh liên tiếp như vậy. Năm 2015, doanh thu thuần của Novaland đạt mức 6.673 tỷ đồng, tăng tới 138% so với năm 2014. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của Novaland chỉ ở mức 7.176 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cả năm 2015. Dù vậy, mức doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của Novaland vẫn hoàn thành vượt 6,5% kế hoạch năm 2016.

Sang năm 2017, Novaland đặt kế hoạch doanh thu thuần cực kỳ táo bạo, lên đến 17.528 tỷ đồng, nghĩa là tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm 2016. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết mà Novaland phải thực hiện được, đó là phải tăng vốn thành công theo kế hoạch lên mức 10.000 tỷ đồng trong năm 2016 và 14.000 tỷ đồng trong năm 2017. Năm 2015, vốn chủ sở hữu của Novaland vẫn ở mức 6.095 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh năm 2015 âm

Song song với việc chính thức thông báo niêm yết trên sàn chứng khoán, Novaland cũng tiến hành công bố báo cáo tài chính. Dù chỉ là báo cáo tài chính năm 2015 và không có thuyết minh báo cáo tài chính, nhưng tài liệu này cũng hé lộ thêm nhiều thông tin đáng chú ý về Novaland.

Đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Novaland là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2015 của doanh nghiệp này là con số âm, cụ thể là âm (-) 2.309 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do các khoản phải thu của Novaland tăng rất mạnh trong năm 2015 với mức tăng lên đến 4.625 tỷ đồng.

Hé lộ tình hình tài chính đáng chú ý của Novaland trước ngày lên sàn

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Novaland là con số âm năm 2015

Truy ngược lại lên các khoản phải thu của Novaland trong năm 2015, có thể thấy, khoản mục "Phải thu ngắn hạn khác" và khoản mục "Phải thu dài hạn khác" của Novaland tăng đột biến và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản phải thu.

Cụ thể, khoản mục "Phải thu ngắn hạn khác" ở mức 4.092 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 2.736 tỷ đồng so với năm 2014 và chiếm 43,6% tổng số 9.367 tỷ đồng các khoản phải thu của Novaland. Còn khoản mục "Phải thu dài hạn khác" ở mức 3.309 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 2.344 tỷ đồng so với năm 2014 và chiếm 35,3% tổng các khoản phải thu của Novaland. Cả 2 khoản mục phải thu rất đáng chú ý này vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn, bởi Novaland không công bố thuyết minh báo cáo tài chính.

Dòng tiền kinh doanh âm thông thường là hiện tượng không tích cực, bởi điều đó cho thấy doanh nghiệp "có làm mà chẳng có ăn", nghĩa là mặc dù đem về lợi nhuận trên sổ sách từ hoạt động kinh doanh nhưng thực tế cuối cùng lại không thu về được đồng nào, thậm chí còn phải lấy dòng tiền từ hoạt động khác để bù đắp vào. Như trường hợp của Novaland năm 2015 là dùng dòng tiền từ hoạt động tài chính (chủ yếu là từ gia tăng đi vay) để bù đắp vào lượng dòng tiền bị hụt đi từ hoạt động kinh doanh.

Hệ số nợ năm 2015 không phải là con số nhỏ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, Nợ phải trả của Novaland ở mức 20.475 tỷ đồng, còn Vốn chủ sở hữu ở mức 6.095 tỷ đồng. Như vậy, hệ số Nợ phải trả trên Vốn chủ sở hữu của Novaland ở mức 3,36 lần, một con số không phải là nhỏ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc sử dụng hệ số Nợ phải trả trên Vốn chủ sở hữu chỉ phán ánh một phần vấn đề nợ của doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp bất động sản bị chi phối bởi nhiều khoản nợ phải trả khác ngoài nợ vay.

Hệ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu được coi là hệ số nợ phản ánh đúng bản chất nợ của các doanh nghiệp bất động sản hơn nhiều. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, tổng nợ vay của Novaland ở mức 7.993 tỷ đồng. Như vậy, hệ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu của Novaland năm 2015 là 1,3 lần.

Hé lộ tình hình tài chính đáng chú ý của Novaland trước ngày lên sàn

Hệ số nợ của Novaland năm 2015 không phải là con số nhỏ, xét về cả hệ số nợ phải trả và hệ số nợ vay

Đây cũng lại là một con số không nhỏ. Thông thường, tổng nợ vay của một doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bất động sản, không nên vượt quá lượng vốn chủ sở hữu. Ngay đối với "ông lớn" Vingroup với tiềm lực và uy tín rất lớn thì hệ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu năm 2015 cũng chỉ ở mức 0,92 lần. Tính đến hết ngày 30/09/2016, hệ số này của Vingroup cũng chỉ ở mức 1,07 lần.

Hệ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu của "đối thủ cùng tầm" với Novaland là FLC thậm chí còn ở mức rất thấp, chỉ 0,22 lần tại thời điểm kết thúc năm 2015 và 0,4 lần tại thời điểm kết thúc ngày 30/09/2016.

Dù hệ số nợ năm 2015 không phải con số nhỏ nhưng nếu Novaland thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2016 và lên 14.000 tỷ đồng trong năm 2017, hệ số nợ của Novaland chắc chắn được cải thiện, nếu như Novaland không tiếp tục đi vay với tốc độ lớn hơn tốc độ tăng vốn.

Tin mới lên