Tài chính

IPO đại gia ngành tư vấn xây dựng: Món hàng nóng trong tháng 6

Khi IPO, cổ phần của đại gia giàu truyền thống nhất của ngành tư vấn xây dựng - Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) liệu có thể trở thành "hàng nóng" như cổ phần của "người anh em" Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải (TEDI) cách đây 2 năm?

IPO đại gia ngành tư vấn xây dựng: Món hàng nóng trong tháng 6

Ảnh minh họa

Ngày 14/6, VNCC sẽ bán đấu giá hơn 6,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm 10.050 đồng/cổ phần. Điều đáng chú ý nhất trong phiên IPO này là doanh nghiệp được đưa ra đấu giá là đại gia số một và có truyền thống lâu năm nhất thuộc ngành tư vấn xây dựng, được thành lập từ năm 1955.

VNCC là đơn vị nòng cốt ngành xây dựng thực hiện công tác thiết kế, khảo sát các công trình, dự án quan trọng quốc gia. Tổng công ty đang sở hữu 5 công ty con, 4 công ty liên kết và 3 công ty góp vốn chuyên về tư vấn xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, quản lý dự án và giám sát thi công, khảo sát địa chất công trình.

Tổng công ty này chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và xây dựng, tổng thầu tư vấn, bao gồm cả hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp...

Một số công trình lớn mà VNCC đã tham gia tư vấn thiết kế là: Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội, Tổ hợp văn phòng Keangnam, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bệnh viện Thanh Nhàn, Nhà kỹ thuật cao Bệnh viện Việt Đức, Nhà máy Yamaha Motor Việt Nam, Nhà máy Hitachi Cable, Học viện Quân y…

Nhìn vào lịch sử IPO của các doanh nghiệp trong thời gian qua, doanh nghiệp ngành tư vấn xây dựng được nhà đầu tư khá quan tâm, bởi dù đây là những công ty có quy mô vốn không lớn, nhưng lại sở hữu khối tài sản vô hình là "chất xám" của đội ngũ kỹ sư có chuyên môn cao.

Cách đây 2 năm, người anh em cùng nghề tư vấn xây dựng là TEDI cũng đã thực hiện IPO 2,6 triệu cổ phần. Thời điểm đó, khi đưa cổ phần ra IPO, TEDI khá dè dặt khi xác định giá khởi điểm khiêm tốn chỉ 10.000 đồng/cổ phần, nhưng kết quả đấu giá khá bất ngờ với số lượng cổ phần đặt mua hợp lệ lên tới hơn 17 triệu cổ phần, gấp 6,6 lần số lượng cổ phần đưa ra đấu giá. Cá biệt có nhà đầu tư trả giá lên tới 24.000 đồng/cổ phần (gấp 2,4 lần giá khởi điểm). Trong phiên IPO này, TEDI đã thu về hơn 56,8 tỷ đồng, cao hơn 30,8 tỷ đồng so với tổng giá trị theo mệnh giá của số cổ phần chào bán.

Đánh giá về những giá trị tiềm ẩn của TEDI, một đại cổ đông là ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm (FECON) cho biết, TEDI có thể được coi là "lò luyện nhân tài" của ngành giao thông. Chính ông Khoa cũng xuất thân từ "lò" này trước khi tách ra phát triển thương hiệu riêng là FECON. Đây là lý do khiến FECON quyết định chi 6,25 tỷ đồng mua cổ phần của TEDI và trở thành một trong 2 cổ đông chiến lược trước khi TEDI tiến hành IPO.

Trở lại câu chuyện của VNCC, tham vọng của đại gia tư vấn ngành xây dựng cũng không hề nhỏ, khi VNCC đã đặt ra định hướng sau cổ phần hóa sẽ đạt trình độ tư vấn tiên tiến trong khu vực ASEAN. Nhìn vào tình hình kinh doanh những năm qua, hoạt động tư vấn thiết kế xây dựng mang lại trên 80% doanh thu của VNCC. Tổng doanh thu của công ty mẹ từ năm 2012 đến 2015 tăng từ 179,2 đến 260,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế vào khoảng 23,8 - 28,9 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn là 7,9 - 9,7%.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 357,7 tỷ đồng. Trong 3 năm tới, VNCC dự kiến đặt mục tiêu doanh thu từ 248,4 đến 275,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế từ 17,1 - 23,7 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức trên vốn điều lệ dao động trong khoảng 4,1 - 5,3%.

Tin mới lên