Tài chính

IPO IDICO và cơ hội lớn cho ‘đại gia’ Bitexco

(VNF) – Trước khi được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tại IDICO đã diễn ra "bước ngoặt" trong cân đối tài chính. Bước ngoặt này gắn liền với bóng dáng một "đại gia" đa ngành: Tập đoàn Bitexco.

IPO IDICO và cơ hội lớn cho ‘đại gia’ Bitexco

Ảnh minh họa

"Khoác áo" tư nhân ngay sau IPO

Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), 1 trong 4 "ông lớn" của Bộ Xây dựng đang ngày càng tiến gần thời điểm cổ phần hóa, khi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chính thức phê duyệt phương án cổ phần hóa tổng công ty này theo hình thức kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu (IPO) của IDICO là 300 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó gồm 108 triệu cổ phần nhà nước, chiếm 36% vốn điều lệ đến thời điểm 31/12/2018, sau thời điểm này sẽ bán hết phần vốn nhà nước còn nắm giữ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần.

Cơ cấu cổ phần còn lại bao gồm: 1.694.500 cổ phần bán ưu đãi cho người lao, chiếm 0,56% vốn điều lệ; 135 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 45% vốn điều lệ và 55.305.500 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 18,44% vốn điều lệ.

Trước thời điểm IPO, Kiểm toán Nhà nước đã có quyết định kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2016 của IDICO, như là một tín hiệu tiếp nối cho thấy, ngày IDICO tiến hành IPO đã ngày càng cận kề.

Có thể thấy ngay trong phương án cổ phần IDICO sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư, khi Nhà nước chỉ nắm giữ vỏn vẹn 36% vốn điều lệ, thậm chí sẽ giảm xuống 0% sau năm 2018, đồng nghĩa IDICO sẽ "khoác áo" tư nhân ngay sau IPO.

Nhưng chuyện không chỉ có thế. Nhà đầu tư chiến lược không những có thể nắm ngay 45% vốn điều lệ IDICO, mà còn tương đối dễ dàng trong việc gia tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 51%, bởi lượng cổ phiếu ngoài thị trường là rất dồi dào, chiếm tới 19% vốn điều lệ của tổng công ty này.

Cũng nghĩa là, với phương án cổ phần hóa IDICO, một doanh nghiệp hay cá nhân hoàn toàn có thể nắm quyền chi phối tổng công ty này sau IPO, IDICO theo đó cũng thoát hoàn toàn cái bóng Nhà nước.

Cơ hội lớn cho Bitexco?

Trước khi được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tại IDICO đã diễn ra "bước ngoặt" trong cân đối tài chính. Bước ngoặt này gắn liền với bóng dáng một "đại gia" đa ngành: Tập đoàn Bitexco.

Đầu năm 2015, IDICO đã đề nghị Chính phủ cho phép chuyển nhượng tài sản từ dự án Nhà máy thủy điện Đak Mi 4 và 4C ở Quảng Nam cho Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi để thoát khỏi khó khăn tài chính. Lý do là chi phí tài chính của Nhà máy thủy điện Đak Mi 4 và 4C những năm đầu quá cao, chiếm tới 60% doanh thu.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2015 của Công ty mẹ - IDICO, tổng công ty này có tới 4.331 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khác, trong đó 4.161 tỷ đồng là khoản phải thu từ việc chuyển nhượng Nhà máy thủy điện Đak Mi 4, Đak Mi 4C cho Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi, chiếm tới 96%. Báo cáo cũng cho biết, trong năm 2015, IDICO chưa hoàn tất vụ chuyển nhượng này.

Còn theo báo cáo tài chính kiểm toán 2016 mà Công ty mẹ - IDICO mới công bố, đến ngày 31/12/2016, các khoản phải thu từ Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi đã giảm xuống chỉ còn 156 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính nêu rõ, trong năm 2016, IDICO đã thực hiện bàn giao và hoàn tất việc chuyển nhượng Nhà máy thủy điện cho Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi.

Cũng vì lý do này mà nợ vay dài hạn của IDICO đã giảm mạnh từ mức 3.278 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015 xuống còn 1.111 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2016. Với lượng nợ vay ngắn hạn không đáng kể (dưới 10 tỷ đồng), cộng với vốn chủ sở hữu ở mức trên 2.700 tỷ, sau khi hoàn tất bán 2 nhà máy thủy điện, tình hình tài chính của IDICO đã cân bằng trở lại.

Được biết, Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi là công ty con của Tập đoàn Bitexco.

Bitexco

Lĩnh vực thủy điện là "gạch nối" giữa Bitexco và IDICO

Khởi nghiệp năm 1985 từ một công ty dệt nhỏ ở Thái Bình, Bitexco bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề từ năm 1997 bằng việc mở rộng, đầu tư sản xuất nước khoáng.

Năm 2000, Bitexco bắt đầu bước chân vào lĩnh vực bất động sản với công trình đầu tiên là tòa nhà văn phòng Bitexco ở thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo những thành công bước đầu, Bitexco đã triển khai các dự án khác như The Manor tại Hà Nội, The Manor I & II tại thành phố Hồ Chí Minh, Tháp Tài chính Bitexco Hồ Chí Minh, The Garden và khách sạn JW Marriott tại Hà Nội…

Danh tiếng của Bitexco không chỉ dừng ở các dự án bất động sản, mà còn gắn liền với các thương vụ thâu tóm đình đám như: thương vụ mua lại 6 dự án thủy điện của Hoàng Anh Gia Lai, mua lại 63% cổ phần của Hương Giang Tourist - đơn vị sở hữu một loạt khách sạn lớn tại Huế và vùng lân cận - từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế...

IPO IDICO có thể coi là cơ hội lớn tiếp theo trong chiến lược thâu tóm của Bitexco, không chỉ bởi tập đoàn này đã có thời gian làm việc và tìm hiểu IDICO thông qua thương vụ mua lại 2 nhà máy thủy điện, không chỉ vì phương án cổ phần hóa IDICO hấp dẫn, mà còn do giữa IDICO và Bitexco có sự tương đồng lớn trong lĩnh vực kinh doanh.

Với IDICO, tổng công ty này hiện hoạt động trong 5 lĩnh vực lớn, bao gồm: khu công nghiệp, thủy điện, xây lắp, giao thông và đô thị - nhà ở. Trong khi đó, với Bitexco, chỉ trừ có lĩnh vực khu công nghiệp, cả 4 lĩnh vực còn lại gồm thủy điện, xâp lắp, giao thông và đô thị - nhà ở đều là lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn này.

Tin mới lên