Tài chính

'Không phải cứ có tên trong Hồ sơ Panama là bị thanh tra thuế'

(VNF) - Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định: "Không thể cào bằng tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này đều là "đen". Chúng ta cần tỉnh táo, thận trọng trong vấn đề này".

'Không phải cứ có tên trong Hồ sơ Panama là bị thanh tra thuế'

Việc 189 cá nhân, tổ chức của Việt Nam có tên trong "Hồ sơ Panama" mới đây đã gây nhiều chú ý trong dư luận. Trong đó, không ít người ngạc nhiên khi thấy xuất hiện những tên tuổi nổi tiếng trong giới doanh nhân Việt Nam như ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP, bà Nguyễn Phương Thảo, CEO hãng hàng không VietJet Air, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO Ngân hàng ANZ... Các doanh nhân đều lên tiếng nói rằng việc đó là điều bình thường và hợp pháp.

Tuy nhiên, nhiều người đang đặt dấu hỏi nghi ngờ có hay không hành động chuyển giá, rửa tiền hay trốn thuế ở đây.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn Tổng cục thuế cho biết: "Ở một số nước, đã có một số nhân vật cao cấp xuất hiện tên trong hồ sơ và đã bị pháp luật của nước họ kết luận rằng, những nhân vật này có thiếu sót về việc chấp hành pháp luật thuế, có sự gian lận thuế".

"Chúng ta có thông tin nhưng chúng ta cũng cần phải có đầy đủ các chứng cứ thì mới biết được rằng có liên quan hay không liên quan. Trong quá trình giao dịch kinh doanh bình thường hiện nay, tôi cho rằng, các cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama là việc bình thường", ông Phụng nói.

Vụ "Hồ sơ Panama" có nhắc nhiều đến "thiên đường thuế". Trong xu hướng kinh doanh toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều giao dịch xuyên quốc gia với mạng lưới kinh doanh ở nhiều nơi trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một quốc gia là thiên đường thuế "nếu như doanh nghiệp này chỉ hoạt động ở trong đó thì không ảnh hưởng gì đến chúng ta cả".

"Nhưng nếu như họ thành lập ở đó nhưng họ lại có hoạt động đầu tư ở chúng ta th phải xem xét thêm. Đó là việc chuyển tiền từ Việt Nam về thiên đường thuế đó đã được thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam hay chưa. Muốn kết luận được thì phải có những xem xét cụ thể", ông nói.

"Không phải người nào có tên trong Hồ sơ Panama cũng là trốn thuế bởi vì pháp luật cho phép người ta thực hiện các giao dịch kinh doanh cũng như việc chúng ta ra nước ngoài tiêu tiền thẻ tín dụng mà đối tác của chúng ta là những cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama thì đương nhiên giao dịch đó cũng được ghi lại", ông nói thêm.

Liên quan đến chống rửa tiền, Việt Nam có Pháp lệnh Ngoại hối trong đó quy định rằng mỗi tổ chức, cá nhân khi chuyển tiền ra nước ngoài, thực hiện các giao dịch thì đều phải công bố công khai nguồn gốc luồng tiền, rồi phải xin phép... Sau khi cơ quan Nhà nước cho phép thì cá nhân, tổ chức đó mới được phép thực hiện các giao dịch đó.

Với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mỗi khi cần chuyển tiền về nước đều phải xuất trình với cơ quan thuế, cơ quan cấp quyền chuyển ngoại tệ về việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế hay chưa. Còn với các giao dịch chuyển tiền để mua bán hàng hoá thì không phải xin phép, nhưng phải tuân thủ Luật Thương mại, Luật Xuất nhập khẩu, theo các hợp đồng kinh tế.

"Ngay từ tháng 2/2016, khi mà hồ sơ này chưa được công bố thì chúng tôi cũng đã có những thu thập thông tin về những doanh nghiệp có quan hệ với những tổ chức nước ngoài, chứ không phải là có hồ sơ này mới làm. Đương nhiên chúng tôi cũng đánh giá là hồ sơ này là một trong những nguồn thông tin tham khảo để bổ trợ cho công việc thu thập thông tin quản lý của chúng tôi. Và chúng tôi cho rằng hồ sơ này tốt hay không thì chúng ta phải đi sâu cặn kẽ tìm hiểu thông tin. Trên cơ sở đó thì mới có thể thực hiện được việc thanh tra, kiểm tra và xác định xem là những người đó có hoàn thành đủ nghĩa vụ thuế hay chưa", ông Phụng cho biết.

Về việc liệu Tổng cục Thuế có mở ngay cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama hay không, ông Phụng cho rằng cần phải phân tích các cơ sở dữ liệu, rồi xem doanh nghiệp đó có rủi ro không, rủi ro ở chỗ nào, trên cơ sở đó, mới đưa họ vào danh sách kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trình lên rồi ra quyết định thanh tra, kiểm tra. 

"Tóm lại, không phải cứ có tên trong Hồ sơ Panama là cơ quan thuế có thể vào bất cứ lúc nào cũng được. Không bao giờ chúng tôi làm được thế cả. Chúng ta không thể cào bằng tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này đều là "đen" cả. Chúng ta cần tỉnh táo, thận trọng trong vấn đề này", ông nói.

Tin mới lên