Tài chính

Lĩnh vực ngân hàng là ‘điểm đen’ của tội phạm kinh tế, tham nhũng

(VNF) – Đó là kết quả được đưa ra tại báo cáo tổng kết công tác phòng chống tội phạm 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 138/CP.

Lĩnh vực ngân hàng là ‘điểm đen’ của tội phạm kinh tế, tham nhũng

Tài chính ngân hàng được xem là điểm đen của tội phạm kinh tế tham nhũng

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 9.441 vụ với 8.631 đối tượng phạm tội về kinh tế (nhiều hơn 20,96% số vụ và 16,04% số đối tượng so với cùng kì 2015). Cùng với đó là 123 vụ phạm tội về tham nhũng (nhiều hơn 7,89%), xử lý 178 đối tượng.

Báo cáo nhận xét, tài chính – ngân hàng là điểm "nổi bật" của tội phạm kinh tế, tham nhũng. Thủ đoạn chủ yếu được sử dụng là thông đồng, móc ngoặc giữa các nhóm đối tượng trong và ngoài ngân hàng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả từ Bộ Công an cho biết, trong 6 tháng đã khởi tố 7 vụ án với 21 bị can, gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, trong đó 17 bị can là lãnh đạo, cán bộ ngành ngân hàng. Địa bàn xảy ra chủ yếu tại Hà Nội, TP. HCM và tập trung ở ngân hàng thương mại cổ phần, chưa phát hiện vụ việc nào ở chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài.

Nổi bật lên trong số đó là vụ việc xảy ra tại công ty chứng khoán ngân hàng MHB (thiệt hại 372 tỷ đồng), ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn và công ty Thiện Linh (thiệt hại 40 tỷ đồng), công ty cho thuê tài chính BIDV chi nhánh Hà Nội (thiệt hại 18 tỷ đồng), công ty Thái Nguyên ở Đồng Nai (thiệt hại 38 tỷ đồng), ngân hàng Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ A.D.N (thiệt hại 75 tỷ đồng).

Thuế cũng được đánh giá là lĩnh vực có những diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn khác nhau như chuyển giá, trốn thuế…, gây thất thu ngân sách, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điển hình nhất là các hành vi mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn giá trị gia tăng được phát hiện ở nhiều tỉnh, thành phố như: vụ tại Hải Phòng gây thiệt hại 100 tỷ đồng tiền thuế, vụ tại Đà Nẵng thiệt hại 47,4 tỷ đồng, vụ tại Quảng Bình 13 tỷ đồng, vụ tại Gia Lai 6,6 tỷ đồng, vụ tại Lai Châu 2,2 tỷ đồng…

Đặc biệt hơn cả tội phạm lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạn tài sản đã gây thiệt hại lớn cho người dân, nhất là nông dân, người dân tộc thiểu số, sinh viên, cán bộ hưu trí.

Sự kiện gây rúng động nhất trong lĩnh vực này là việc cơ quan điều tra bắt 8 đối tượng thuộc công ty Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt 1.910 tỷ đồng của 52.000 người dân tại hàng chục địa phương vào đầu năm nay.

Ngoài tội phạm kinh tế, tham nhũng, báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP cũng ghi nhận tình hình đối với các loại tội phạm khác như: tội phạm hình sự (26.833 vụ, giảm 4,66%), tội phạm sử dụng công nghệ cao (242 vụ, tăng 21,6%), tội phạm ma túy (9.760 vụ, tăng gấp 1,5 lần), tội phạm và vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường (diễn ra phức tạp và gây thiệt hại nặng, điển hình là vụ Formosa xả thải gây thiệt hại cho 4 tỉnh miền Trung).

Tin mới lên