Tài chính

Ngày 10/3, VNPT bán hơn 71,5 triệu cổ phần Maritime Bank

(VNF) - Mức giá khởi điểm 11.900 đồng/cổ phần là mức giá mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ bán đấu giá để thoái hơn 71,5 triệu cổ phần, tương đương 6,09% vốn cổ phần đang nắm giữ khỏi Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).

Ngày 10/3, VNPT bán hơn 71,5 triệu cổ phần Maritime Bank

VNPT sắp thoái vốn khỏi ngân hàng Maritime Bank.

Ngày 10/3 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ bán đấu giá để thoái vốn hơn 71,5 triệu cổ phần, tương đương 6,09% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) với mức giá khởi điểm 11.900 đồng/cổ phần. 

Maritime Bank được thành lập từ năm 1991 tại Hải Phòng. Năm 2005, ngân hàng chính thức chuyển hội sở lên Hà Nội với 16 điểm giao dịch. Hiện nay, Maritime Bank có vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng và tổng tài sản khoảng 104.000 tỷ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nắm giữ 6,09%, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Tiến nắm giữ 6,52% và các cổ đông khác nắm giữ tổng cộng 87,39% vốn cổ phần.

Hoạt động kinh doanh của Maritime Bank bao gồm các hoạt động trung gian tiền tệ, dịch vụ tài chính, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất và bán buôn, bán lẻ vàng bạc. Kết quả kinh doanh năm 2014 – 2015 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 của Maritime Bank lần lượt lợi nhuận sau thuế là 142,8 tỷ đồng; 116,3 tỷ đồng; 128,3 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2015, ngân hàng này có số nợ xấu trên sổ sách đã bán cho VAMC khoảng 10.000 tỷ đồng (chưa kể số nợ bán thêm trong năm 2016 chưa được công bố). Với con số này, Maritime Bank thuộc nhóm các ngân hàng thương mại đã bán nhiều nợ xấu trên sổ sách nhất cho VAMC.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã khởi động việc đấu giá thoái vốn cổ phần nắm giữ tại Maritime Bank năm 2016.

Suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp nhà nước đua nhau đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải, kém hiệu quả, thậm chí gây thua lỗ lớn. Hệ quả là cho đến nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang "treo" khối lượng vốn khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng tại các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm

Được biết, bắt đầu từ tháng 8/2011, VNPT đã có những động thái đầu tiên trong việc thoái vốn đầu tư tại Maritime Bank, thông qua việc bán đấu giá quyền mua 25 triệu cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên, VNPT đã không thành công, vì không có nhà đầu tư nào đặt mua. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán, tài chính quá xấu. Thời điểm đó, VNPT là cổ đông lớn thứ hai của Maritime Bank với tỷ lệ sở hữu 12,53% vốn điều lệ.

Đầu tháng 1/2016, VNPT tiếp tục thông báo đấu giá lần 3 cổ phần của VNPT tại Cadico. Trước đó, hồi tháng 6/2015, VNPT phải ra thông báo hủy phiên đấu giá lần 2 cổ phần của VNPT tại Cadico, do đến hết thời hạn nhà đầu tư được đăng ký tham gia đấu giá và đặt cọc mà vẫn không có nhà đầu tư nào đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Hai ví dụ trên cho thấy, VNPT đang rất khó khăn trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Tin mới lên