Tài chính

Nhà đầu tư ngoại tích cực mua, cổ phần Vietjet 'đắt hàng' trước giờ IPO

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vừa ký văn bản chấp thuận cho 5 cổ đông của Vietjet được chuyển nhượng 66.506.870 cổ phần, tương đương 22,169% của vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng cho 23 nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư ngoại tích cực mua, cổ phần Vietjet 'đắt hàng' trước giờ IPO

Nhà đầu tư ngoại tích cực mua cổ phần Vietjet trước giờ IPO của hãng này

Trước đó, vào giữa tháng 12/2016, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý để 1 cổ đông của Vietjet chuyển nhượng 6.566.000 cổ phần, tương đương 2,626% vốn điều lệ cho 3 nhà đầu tư nước ngoài là Wareham Group Limited (British Virgin Island), Dragon Capital Markets Limited (Cayman Island) và DC Developing Markets Strategies Public Company (Ireland). 

Mức giá chuyển nhượng không được các bên tiết lộ nhưng dao động trong khoảng từ 65,66 tỷ đồng đến 788 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng này đã hoàn tất và được Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội chấp thuận vào ngày 22/12/2016.

Tính tổng cộng, lượng cổ phần chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 24,358% vốn điều lệ và hãng bay này đã có 26 nhà đầu tư nước ngoài trong danh mục cổ đông.

Việc chuyển nhượng này không làm tăng vốn điều lệ của Vietjet, nhà đầu tư nước ngoài không tham gia vào bộ máy quản trị cũng như hoạt động quản lý, điều hành của Vietjet và không làm thay đổi phương án kinh doanh, chiến lược phát triển của hãng.

Theo quy định về việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, theo Nghị định 92, bên nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ và số thành viên người nước ngoài không được vượt quá 1/3 tổng số thành viên tham gia bộ máy điều hành.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào sự tăng trưởng của Vietjet lẫn thị trường hàng không Việt Nam

Vietjet là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp và cung cấp đa dạng các dịch vụ cho khách hàng lựa chọn. Không chỉ vận chuyển hàng không, Vietjet còn cung cấp các nhu cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ cho khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ thương mại điện tử tiên tiến. 

Trước đó, liên quan đến kế hoạch IPO, VietJet dự kiến chào bán 44,78 triệu cổ phiếu với giá 84.600 đồng mỗi cổ phiếu, qua đó định giá công ty ở mức 1,2 tỷ USD.

Hãng bay dự kiến sẽ huy động được 170 triệu USD từ số cổ phiếu này. Giá chào bán nằm ở giữa khoảng giá 75.900-98.400 đồng dự kiến trước đó.

BNP Paribas, Deutsche Bank, JP Morgan và Chứng khoán Bản Việt là các công ty tham gia điều tiết đợt IPO này, IFR cho biết. Cổ phiếu VietJet được dự báo giao dịch tại mức giá 88.800 đồng khi lần đầu lên sàn TP HCM tháng 2 tới, VietCapital cho biết trong buổi roadshow giữa tuần này.

VietJet thành lập năm 2007. Họ hiện nắm 40% thị phần trong nước, và được dự báo vượt hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines năm nay để thành hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hàng không CAPA cho biết hồi tháng 1.

Hãng đang mở rộng đội bay với đơn hàng 20 máy bay Airbus A321 trị giá 2,4 tỷ USD và 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 trị giá 11,3 tỷ USD. Năm 2015, VietJet đã có lãi sau 5 năm hoạt động. Tổng doanh thu của hãng đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2014.

Vietjet là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) với Chứng nhận An toàn khai thác IOSA. Bên cạnh vị trí "Top 500 thương hiệu hàng đầu Châu Á 2016", Vietjet cũng đã vinh dự được bầu chọn là "Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất châu Á" (Best Asian Low Cost Carrier) năm 2015 của TTG Travel Awards và Top 3 hãng hàng không có Fanpage trên Facebook tăng trưởng nhanh nhất thế giới do Socialbakers đánh giá.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 42 tàu bay A320 và A321, thực hiện khoảng 350 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển gần 35 triệu lượt hành khách, với 60 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…   

Tin mới lên