Tài chính

Nhìn lại một năm 'nhộn nhịp' của thị trường tài chính Việt Nam

(VNF) - Thị trường tài chính Việt Nam khép lại một năm 2016 với nhiều điểm nhấn quan trọng, từ khía cạnh phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm đến các thay đổi nhân sự chủ chốt, thay đổi chính sách đáng chú ý và đặc biệt là điểm sáng trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Nhìn lại một năm 'nhộn nhịp' của thị trường tài chính Việt Nam

Sự xuất hiện của các đại gia hàng không như Vietnam Airlines hay ACV đã làm nóng thị trường tài chính năm 2016

Thị trường tài chính: 1 năm nhìn lại

Những gam màu cuối cùng trong bức tranh tài chính Việt Nam năm 2016 đang dần hiện ra rõ nét. Mặc dù không quá rực rỡ nhưng bức tranh tài chính năm nay lại có nhiều điểm nhấn rất đáng chú ý.

Thị trường cổ phiếu năm 2016 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan. Chỉ số VN-Index duy trì quanh mốc 670 điểm, tăng khoảng trên 16% so với năm 2015. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE ước đạt khoảng 600 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng trên 15% so với năm 2015.

Trong khi đó, sàn HNX lại khá trầm lắng. Chỉ số HNX-Index vẫn duy trì quanh mốc 80 điểm, thay đổi không đáng kể so với năm 2015. Tổng giá trị giao dịch ước đạt khoảng 130 nghìn tỷ đồng, gần tương đương so với tổng giá trị giao dịch của cả năm 2015.

Ấn tượng nhất là tăng trưởng của sàn UPCoM. Mặc dù chỉ số UPCoM-Index không tăng quá nhiều so với năm 2015 (cỡ khoảng 10%) nhưng giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM kể từ đầu năm lại tăng đột biến. Tính từ đầu năm đến ngày 18/12/2016, giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM đã gấp đôi con số của cả năm 2015, đạt mức 29.510 tỷ đồng. Đặc biệt, giá trị vốn hóa của sàn UPCoM hiện đang cỡ khoảng 11,5 tỷ USD, vượt xa giá trị vốn hóa cỡ khoảng 6,5 tỷ USD của sàn HNX.

Bên cạnh sự nổi lên của sàn UPCoM, sự trầm lắng của sàn HNX và sự tăng trưởng đều đặn của sàn HoSE, thị trường cổ phiếu Việt Nam năm 2015 cũng ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng.

Đầu tiên phải kể đến một loạt sự kiện thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt trong ngành chứng khoán Việt Nam. Ông Trần Văn Dũng, Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của HNX thay thế cho ông Trần Văn Dũng.

Bên cạnh việc bổ nhiệm một loạt nhân sự chủ chốt quan trọng, ngành Chứng khoán Việt Nam năm 2016 cũng đánh dấu 3 dấu mốc to lớn. Dấu mốc đầu tiên là việc Thủ tướng Chính phủ đã chính thức quyết định lấy ngày 28/11 hàng năm là "Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam". Dấu mốc thứ hai là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỷ niệm 20 năm truyền thống. Và dấu mấu thứ ba, rất quan trọng, là việc chỉ số chung VNX Allshare chính thức được triển khai vào ngày 24/10/2016, khởi đầu nền tảng cho chủ trương hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Song hành cùng những dấu mốc quan trọng trên, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 tiếp tục chứng kiến nhiều sự tiến triển trong chính sách. Đầu tiên phải kể đến việc Bộ Tài chính chính thức ban hành thông tư hướng dẫn về chứng khoán phái sinh ngay trong tháng đầu tiên của năm 2016. Theo dự kiến, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ bắt đầu vận hành vào đầu năm 2017.

Năm 2016 cũng đánh dấu nhiều quy chế, quy định mới được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM áp dụng. Đáng chú ý nhất là việc HoSE áp dụng bước giá mới được chia nhỏ hơn so với quy định trước kia. Các bước giá giảm xuống chỉ còn 10 đồng với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ có thị giá nhỏ hơn 10.000 đồng, 50 đồng đối với thị giá từ 10.000 – 49.950 đồng và giữ nguyên 100 đồng với thị giá trên 50.000 đồng. Riêng chứng chỉ quỹ ETF sẽ áp dụng bước giá 10 đồng cho tất cả các mức giá.

Đồng thời, HoSE cũng tăng khối lượng tối đa của một lệnh lên gấp 25 lần so với quy định cũ, giảm thời gian giao dịch trở lại sau khi tạm ngừng giao dịch từ 45 ngày xuống còn 25 ngày… Bảng giá HoSE chính thức có dữ liệu bán ra của khối ngoại cũng là một bước tiến mới.

Trong khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng có động thái đáng chú ý là phân bảng UPCoM Premium trong Hệ thống giao dịch UPCoM.

Đáng tiếc nhất trong số các kỳ vọng chính sách là việc cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về đã không được áp dụng ngay dù những cơ chế này là "linh hồn" của Thông tư 203/2015/TT-BTC.

Song song với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu Việt Nam 2016 cũng có những sự tăng trưởng đáng khích lệ, thậm chí là khá mạnh mẽ. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trúng thầu trái phiếu trên thị trường sơ cấp lên đến 335.873 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cả năm 2015. Kho bạc Nhà nước vẫn là tổ chức phát hành trái phiếu lớn nhất với tổng giá trị trúng thầu 281.294 tỷ đồng, chiếm 83,8% tổng giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp.

Trong khi đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2016 tiếp tục duy trì mức tăng ổn định khi tổng doanh thu ngành bảo hiểm ước đạt 85.491 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015. Trong đó, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 49.119 tỷ đồng, tăng 28,4% so với năm 2015; còn doanh thu lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng, tăng 14,68%.

Điểm sáng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước

Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có thể coi là điểm sáng rõ rệt nhất trong bức tranh tài chính Việt Nam 2016. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2016, đã có 56 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 Tổng công ty nhà nước với tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, lũy kế 11 tháng đầu năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.558 tỷ đồng, thu về 6.569 tỷ đồng. Tính riêng SCIC, tổng công ty này đã tiến hành bán vốn tại 59 doanh nghiệp với trị giá 1.489 tỷ đồng, thu về 3.844 tỷ đồng.

Nhưng những số liệu thống kê trên đây không thể phản ánh được đầy đủ bức tranh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2016. Điểm sáng thực sự trong bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không nằm ở những số liệu thống kê, mà nằm ở sự quyết liệt của bộ máy Chính phủ mới.

Sự quyết liệt ấy được gói gọn trong khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: "Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và Ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm".

Ngay sau chỉ đạo trên, một loạt thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các "siêu doanh nghiệp" được diễn ra. Sau 8 năm cổ phần hóa, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã chính thức lên sàn UPCoM vào cuối tháng 10/2016 và đã chuẩn bị chuyển sang sàn HoSE. Giá trị vốn hóa của Habeco cũng tăng "vùn vụt", hiện đã gấp tới hơn 5 lần giá trị vốn hóa khi mới lên sàn.

Trong khi đó, Tổng công ty Bia, Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã chính thức lên sàn HoSE. Sau chuỗi dài phiên tăng trần liên tục, Sabeco đã chính thức trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán chỉ sau Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Cùng với đó, tiến trình thoái vốn nhà nước tại Vinamilk cũng đã chính thức được bắt đầu. Với mức giá khởi điểm đấu giá khá cao là 144.000 đồng/cổ phần, vẫn có 2 nhà đầu tư đăng ký mua vào 5,4% cổ phần Vinamilk trong tổng số 9% cổ phần mà SCIC đem ra đấu giá. Tổng giá trị mà SCIC thu về trong đợt giao dịch đầu tiên lên tới 11.286 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.

ACV cũng là một trường hợp rất đang chú ý khi ngay trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM, giá trị vốn hóa của "siêu tổng công ty" này đã tăng tới gần 1 tỷ USD.

Tin mới lên