Tài chính

Nỗi lo từ tiền lệ Hoàng Anh Gia Lai

Đã lộ diện thêm những tín hiệu rõ ràng về việc chính thức "giải cứu"Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), nhưng việc tạo ra "tiền lệ HAGL" đang để lại không ít nỗi lo, đáng kể nhất là sự méo mó trong nhận diện "mối quan hệ thân quen" và cả trong nhận diện và xử lý nợ xấu.

Nỗi lo từ tiền lệ Hoàng Anh Gia Lai

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa khép lại bản nhạc buồn năm 2016 bằng nốt trầm từ kết quả kinh doanh với mức lỗ sau thuế 1. 414 tỷ đồng.

Mở tiền lệ "cứu" HAGL

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa khép lại bản nhạc buồn năm 2016 bằng nốt trầm từ kết quả kinh doanh với mức lỗ sau thuế 1. 414 tỷ đồng. 

Còn nhớ những ngày đầu năm 2016, lần đầu tiên sau hơn 7 năm niêm yết, thị giá cổ phiếu HAG của HAGL xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng sau khi chốt phiên giao dịch ngày 5/1.

Chừng 2 tháng sau đó, dư luận xôn xao khi chủ nợ là ngân hàng ACB đã bán giải chấp gần 6 triệu cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) mà HAGL cầm cố để thu hồi nợ. 

Sau ACB, ngân hàng Bản Việt cũng bán giải chấp hơn 2,6 triệu cổ phiếu HNG mà HAGL cầm cố. Đến khi HAGL công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 ở thời điểm tháng 4/2016, giới đầu tư mới "ngã ngửa" khi Công ty kiểm toán Ernst & Young "nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục" của HAGL, nguyên do là bởi HAGL có tới 8. 297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016.

Cũng tại báo cáo kiểm toán này, Ernst & Young tiết lộ, HAGL đang trong quá trình đàm phán với các chủ nợ và xin phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền để tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu phải trả trị giá 27. 099 tỷ đồng. 

Sở dĩ HAGL phải chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu, mà ở đây là Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, là bởi có những nội dung "giải cứu" vượt thẩm quyền của các chủ nợ, trong đó đáng chú ý nhất là các chủ nợ, đặc biệt là các ngân hàng, muốn cơ cấu, gia hạn các khoản nợa mà không phải chuyển nhóm nợ. Nghĩa là, sẽ có một lượng lớn nợ quá hạn, trong đó có cả nợ xấu, sẽ không được nhận diện đầy đủ. 

Dù còn nhiều tranh cãi, cũng như chưa có thông báo chính thức về việc các chủ nợ được phép cơ cấu, gia hạn các khoản nợ mà không phải chuyển nhóm nợ, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của HAGL đã tiết lộ những tín hiệu "giải cứu" rõ ràng từ phía các chủ nợ trái phiếu, hay còn gọi là các trái chủ.

Về cơ bản, tất cả các trái chủ sở hữu trái phiếu thường của HAGL đã chấp nhận cơ cấu, gia hạn thời gian trả nợ cho tập đoàn này, với tổng trị giá cơ cấu, gia hạn ước khoảng 10.000 tỷ đồng, thời gian gia hạn từ 1 đến 7 năm tùy từng khoản nợ. 

Đến đây, có 2 trường hợp có thể xảy ra. Một là phương án "giải cứu" HAGL không được thông qua, đồng nghĩa với việc các trái chủ vẫn phải chuyển nhóm nợ đối với một phần hoặc toàn bộ khoản nợ của HAGL.

Điều này có nghĩa là, khi gia hạn, HAGL sẽ phải chịu tiền phạt, chịu lãi suất cho vay cao hơn, hạn mức cho vay thấp hơn, tài sản thế chấp chất lượng hơn… Các trái chủ buộc phải tăng trích lập dự phòng, thậm chí buộc phải áp dụng các biện pháp để thu hồi một phần nợ. 

Trường hợp này rất bất lợi cho HAGL, khó lòng khiến tập đoàn này chấp thuận cơ cấu, gia hạn, đặc biệt là trong bối cảnh các mảng kinh doanh của HAGL chưa có dấu hiệu khả quan. Với các trái chủ cũng không dễ dàng, vì một phần không nhỏ lợi nhuận sẽ bị bào mòn bởi trích lập dự phòng. Phương án bán bớt lượng lớn tài sản, đối với cả phía HAGL và các trái chủ, thậm chí còn khả dĩ hơn. 

Ở trường hợp dễ xảy ra hơn, HAGL đã chính thức được "giải cứu", nghĩa là các khoản nợ được cơ cấu, gia hạn mà không phải chuyển nhóm nợ. Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường tài chính chính thức ghi nhận "tiền lệ HAGL". 

Dấu hỏi về công bằng

Nỗi lo lớn nhất đối với tiền lệ HAGL là vấn đề công bằng. Trên thực tế, rất khó để duy trì tiền lệ HAGL đối với tất cả các doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh tương tự, dù trước pháp luật, tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng như nhau. Nói rất khó là bởi, tiền lệ HAGL đang đặt trong một bối cảnh cực kỳ nhạy cảm. 

Đầu năm nay, NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng 2017, theo đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục siết tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông. Định hướng này đặt trong bối cảnh "bóng ma" nợ xấu vẫn còn đang ám ảnh không nguôi. 

Thực tế, HAGL không phải là doanh nghiệp nông nghiệp đơn thuần, mà còn có mảng kinh doanh quan trọng là bất động sản. Lượng lớn khoản vay của HAGL cũng thuộc diện tín dụng trung, dài hạn; đồng thời, tất cả các khoản vay cũng thuộc diện tín dụng khách hàng doanh nghiệp lớn. Liệu việc "Cứu" HAGL, có đang đi ngược lại định hướng điều hành tín dụng 2017 và những năm trước?

Thứ hai, để duy trì tiền lệ HAGL sẽ buộc phải bố trí nguồn lực tài chính và dự kiến, quy mô nguồn lực này là không hề nhỏ. Tình cảnh xử lý nợ xấu rất cấp bách hiện nay còn đang gặp khó do không tìm được đủ nguồn lực tài chính hỗ trợ, thì việc bố trí thêm nguồn lực khác sẽ chồng chất thêm khó khăn mới. 

Thứ ba, một trong những điểm quan trọng nhất trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được NHNN xác định là phải nhận diện đầy đủ nợ xấu và đánh giá thực chất chất lượng tín dụng. Ở khía cạnh này, tiền lệ HAGL có vẻ lại tiếp tục đi ngược định hướng. 

Một khi đã không thể duy trì tiền lệ HAGL đối với tất cả các doanh nghiệp, hệ thống cho vay chắc chắn sẽ méo mó, dù khó lòng lường được sẽ méo mó đến đâu. Dễ thấy nhất, là méo mó về mối quan hệ cho vay. 

Thời điểm mà chuyện "cứu" hay "không cứu" HAGL còn gây tranh cãi, dư luận từng đặt vấn đề về "mối quan hệ cho vay lỏng lẻo kiểu thân quen". Có tồn tại mối quan hệ này trong thực tế hay không thì chỉ người trong cuộc mới biết, nhưng cách đặt vấn đề trên cho thấy, nếu tiền lệ HAGL không được thực thi công bằng, góc nhìn của nhiều doanh nghiệp đối với "mối quan hệ thân quen" ấy phần nào sẽ trở nên tiêu cực. 

Thậm chí, kể cả khi tiền lệ HAGL được duy trì, hệ quả cũng sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại tại một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp. Bản thân sự sa sút của HAGL, không hẳn đến từ yếu tố khách quan mà phần nhiều do sai lầm chủ quan như đầu tư dàn trải, đầu tư quá lớn vào nhiều lĩnh vực trong khi tiềm lực tài chính tự có không đủ cân đối, đặc thù các ngành đầu tư có tốc độ quay vòng vốn chậm…

Nếu lượng lớn nợ không bị "chôn" thêm ở HAGL, nhiều doanh nghiệp khác sẽ có thêm cơ hội vay vốn. Quan trọng hơn, tiền lệ HAGL sẽ tạo ra sự méo mó nhất định trong nhận diện và xử lý nợ xấu, kể cả khi được duy trì hay không. 

Tin mới lên