Tài chính

Ông Dominic Scriven: Quay lại 10 năm trước, tôi vẫn chọn đầu tư ở Việt Nam

Chia sẻ những tiếc nuối khi chứng kiến quá trình phát triển của chứng khoán Việt Nam, song Chủ tịch Dragon Capital cũng tin tưởng vào tiềm năng của thị trường, cũng như những điểm yếu có thể được cải thiện theo thời gian.

Ông Dominic Scriven: Quay lại 10 năm trước, tôi vẫn chọn đầu tư ở Việt Nam

Khối ngoại chê thị trường Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu đầu tư quy mô lớn.

Tại buổi tọa đàm "20 năm thị trường chứng khoán và bước chuyển dòng vốn ngoại" do trang tin Người Đồng Hành tổ chức chiều 16/11, ông Dominic tiết lộ, ông từng chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Trong những hội thảo giới thiệu chứng khoán Việt Nam ở nước ngoài, khán phòng luôn chật kín các chuyên gia đến tìm hiểu, lắng nghe. Nhưng cuối cùng chỉ có khoảng 15% nhà đầu tư này thực sự tham gia, tiếp cận thị trường các bước kế tiếp.

Nguyên nhân được đưa ra là quy mô thị trường Việt Nam còn hạn chế, không đáp ứng được nhu của dòng vốn lớn. "Từng có quỹ quản lý trên 1.000 tỷ USD muốn đầu tư 300 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam, nhưng quy mô thị trường quá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu này", ông kể.

Ông Dominic giải thích thêm, quy mô thị trường đóng vai trò quan trọng vì nó tác động đến thanh khoản, độ minh bạch. Yếu tố mất điểm thứ hai là khi so sánh chất lượng thị trường thì Việt Nam luôn nằm ở vị trí thấp so với các nước trong khu vực.

Một mặt chỉ ra điểm yếu của thị trường Việt Nam, mặt khác Chủ tịch Dragon Capital tin tưởng các vấn đề này có thể cải thiện theo thời gian. Theo chuyên gia này, cơ quan quản lý thị trường đã nhìn thấy được điểm yếu và từng bước khắc phục. Các biện pháp hỗ trợ gồm: áp dụng biện pháp nới room cho khối ngoại, nghiên cứu sản phẩm mới để đa dạng hàng hóa, bổ sung rổ hàng hoá bằng việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, từng bước áp dụng phương án tăng độ minh bạch và nỗ lực nâng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Ông Dominic cho rằng nếu kiên nhẫn chờ thêm thời gian quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thay đổi và lớn mạnh. Ông cho hay, cách đây hơn 10 năm ông đầu tư vào Việt Nam chỉ là quản lý tiền của gia đình, bố, mẹ, em gái. Khi gặp khó khăn thì được gia đình khích lệ, ủng hộ. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường đã tăng lên. "Bây giờ, nếu được chọn lựa lại tôi vẫn chọn thị trường Việt Nam", ông nói.

Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI Lê Thị Lệ Hằng - người từ Mỹ về Việt Nam làm việc gần 10 năm chia sẻ, các nhà đầu tư ngoại đánh giá tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề là hàng hóa đáp ứng được tới đâu. Khó khăn nằm ở chỗ cần phải tìm kiếm được những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn hoặc các công ty đáp ứng được yêu cầu khắt khe về độ minh bạch đạt chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế. "Nếu làm được việc này sẽ là một bước tiến có thể giúp các doanh nghiêp thu hút vốn ngoại, nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà đầu tư nước ngoài", bà Hằng đánh giá.

Có kinh nghiệm hơn 25 năm hoạt động trong ngành kiểm toán, Tổng giám đốc Công ty Ernst &Young Việt Nam - Trần Đình Cường đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam còn thiếu 10 chuẩn mực cơ bản và có đến 8 chuẩn mực chưa điều chỉnh kịp với quốc tế. Thị trường chỉ có 30% các chuẫn mực có thể so sánh được với quốc tế. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán còn một khoảng trống rất lớn

Chủ tịch HOSE TP HCM - Trần Văn Dũng nhận định thị trường cần có chuẩn mực và công khai cũng như liên tục nâng cấp. Trong cuộc chơi cần có luật chơi và phải công khai rõ ràng. Đã là đầu tư thì phải có rủi ro nhưng người quản lý thị trường phải đảm bảo hàng hóa trên thị trường phải đủ điều kiện mới hấp dẫn được khối ngoại.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - Vũ Bằng thì thừa nhận, công cụ chế tài của thị trường chứng khoán Việt Nam còn yếu là điều khiến cho thị trường mất điểm trong mắt khối ngoại.

Ông Bằng cho hay, việc xử phạt, chế tài các hành vi vi phạm chưa đủ tính răn đe, mức phạt thấp và chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính là chính. Thẩm quyền của UBCKNN chưa đầy đủ để điều tra, kết luận sai phạm. Do đó, cần có cải cách nhiều hơn nữa các hình thức xử phạt.

Tin mới lên