Tài chính

Sabeco chính thức lên sàn: Mở bia, đón Tết sớm

(VNF) – Cổ phiếu SAB của Sabeco sẽ chính thức được "khui" vào ngày 6/12 tới. Kỳ vọng trong ngắn hạn với cổ phiếu của Sabeco là rất rõ ràng, nhưng trong dài hạn, cạnh tranh khốc liệt trong ngành bia hiện nay vẫn đang khiến không ít nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu SAB phải lấn cấn.

Sabeco chính thức lên sàn: Mở bia, đón Tết sớm

Cổ phiếu SAB của Bia Sài Gòn sẽ chính thức được "khui" trong ngày 6/12 tới

Bia Sài Gòn "lên kệ"

Những ngày đầu của tháng 12, thị trường chứng khoán Việt Nam lại được dịp rộn ràng khi cổ phiếu SAB của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ chính thức được niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 6/12 sắp tới, sau một hành trình đấu tranh không ít gian nan.

Trước đó, Sabeco liên tiếp phải hứng chịu những cáo buộc chậm trễ niêm yết dù thời điểm cổ phần hóa đã trôi qua được 8 năm. Phải đến khi Thủ tướng Chính phủ đích thân chỉ đạo, hành trình niêm yết của Sabeco mới tiến nhanh vượt bậc và kết quả là Bia Sài Gòn mới chính thức được "lên kệ" sàn HoSE.

Với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 110.000 đồng/cổ phiếu, ngay khi lên sàn, Sabeco sẽ gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD" với giá trị vốn hóa ngay khi niêm yết lên tới 70.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,15 tỷ USD. Mức giá trị vốn hóa này chỉ chịu thua Vinamilk, PV GAS, Vietcombank và Vingroup. Tất nhiên, cổ phiếu SAB cũng ngay lập tức sẽ trở thành một trong những cổ phiếu Blue Chip hàng đầu thị trường.

Nếu trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu SAB của Sabeco tăng kịch trần 20% so với giá tham chiếu, nghĩa là giá cổ phiếu SAB đóng cửa ở mức 132.000 đồng/cổ phần, thì giá trị vốn hóa của Sabeco sẽ tăng vọt lên mức 84.600 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 14.100 tỷ đồng chỉ sau một ngày.

Điều này chẳng phải bất khả thi, bởi có nhiều yếu tố đang hỗ trợ Sabeco trong thời điểm niêm yết hiện tại. Nóng hổi nhất là về cơ cấu cổ đông.

Bia Sài Gòn Sabeco lên sàn

Bia Sài Gòn sẽ chính thức "lên kệ" sàn HoSE vào ngày 6/12

Tương tự như trường hợp của Habeco, cơ cấu cổ đông của Sabeco rất cô đặc, thậm chí nếu xét trong phạm vi sàn HoSE, cơ cấu cổ đông của Sabeco phải thuộc vào hàng cô đặc nhất trên thị trường.  Hiện tại, Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất của Sabeco với tỷ lệ sở hữu lên đến 89,59%, trong khi đó, Heineken nắm khoảng 5%. Như vậy, còn lại khoảng 5,41% cổ phần là thuộc sở hữu của các cổ đông khác, tương đương khoảng 34,7 triệu cổ phiếu SAB.

Với cơ cấu cổ đông cô đặc, đồng nghĩa với lượng không nhiều cổ phiếu được lưu hành trên thị trường, xác suất cổ phiếu SAB của Sabeco tăng giá ngay khi lên sàn là khá cao, thậm chí đà tăng còn có thể duy trì cho đến khi Bộ Công Thương bắt đầu thoái vốn Nhà nước đợt đầu tại Sabeco.

Ngoài cơ cấu cổ đông cô đặc, triển vọng cổ tức cũng là yếu tố khiến Sabeco trở lên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Có thể nhìn nhận rằng, vị thế của Sabeco khó lòng suy giảm trong một sớm một chiều, nghĩa là trong nhiều năm tới, công ty này vẫn sẽ đều đặn thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đã đạt mức 3.658 tỷ đồng.

Trong khi đó, có vẻ Sabeco đang "bí" kênh đầu tư bởi tính đến hết ngày 30/09/2016, tổng lượng tiền gửi ngân hàng của Sabeco lên đến 9.951 tỷ đồng, chiếm tới 44% tổng tài sản của tổng công ty này.

Thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, lại đang "bí" kênh đầu tư khiến lượng tiền gửi ngân hàng "phình to" và ở mức "khổng lồ", đây đều là những tiền đề để Sabeco trả cổ tức đều đặn và mạnh tay hơn nhiều doanh nghiệp tỷ USD khác.

Nhưng cơ cấu cổ đông cô đặc hay yếu tố cổ tức mới chỉ là những yếu tố mang tính hỗ trợ. Yếu tố cốt lõi khiến Sabeco trở lên hấp dẫn, kéo theo giá cổ phiếu SAB có thể tăng mạnh, là đến từ vị thế trong ngành bia của tổng công ty này. Hiện Sabeco đang dẫn đầu ngành bia với thị phần khoảng 40,6%, bỏ khá xa hai "kẻ bám đuổi" là Heineken (khoảng 21,4% thị phần) và Habeco (khoảng 19,6% thị phần). Nếu xét trong phân khúc bia phổ thông, thị phần của Sabeco thậm chí còn cao hơn nhiều bởi Heineken chủ yếu hoạt động trong phân khúc bia cao cấp.

Dẫn đầu, liệu có say men?

Ngành bia hiện đang đối mặt với mức độ cạnh tranh khốc liệt chưa từng có, đồng nghĩa với việc vị thế của Sabeco không phải là "bất biến" nếu như tổng công ty này không "chạy đủ nhanh" trong cuộc đua giành giật thị phần.

Nhiều hãng bia tại Việt Nam đã và đang tiến hành tăng công suất sản xuất rất mạnh mẽ. Chẳng hạn như Sapporo Việt Nam đã tăng công suất thiết kế từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm. Hay như Heineken Việt Nam Việt Nam đang tiến hành nâng cấp nhà máy bia ở Quảng Nam lên 120 triệu lít/năm từ công suất hiện tại là 25 triệu lít/năm; công suất thậm chí còn có thể gia tăng hơn nữa khi gần đây, Heineken đã mua lại nhà máy bia tại Vũng Tàu từ hãng bia Carlsberg.

Trong khi đó, AB InBev cũng đã khánh thành nhà máy bia 100 triệu lít/năm vào năm 2015. Còn Carlsberg hiện đang sở hữu Nhà máy bia Đông Nam Á tại Hà Nội với công suất khoảng 65 triệu lít/năm và Nhà máy bia Huế với công suất khoảng 360 triệu lít/năm. Tập đoàn Masan hiện cũng đang sở hữu 2 nhà máy với tổng công suất khoảng 200 triệu lít/năm.

Sabeco lên sàn

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Sabeco còn lấn cấn vì ngành bia đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Hệ quả của những đợt tăng công suất liên tục ở nhiều hãng bia khác nhau này đã được thể hiện ngay trong năm 2015 khi sản lượng sản xuất bia năm 2015 đã vượt sản lượng tiêu thụ bia tới 870 triệu lít, trong khi con số này năm 2014 chỉ là 250 triệu lít, năm 2013 chỉ là 150 triệu lít và năm 2012 chỉ là 70 triệu lít. Điều này một lần nữa cho thấy, cạnh tranh trong ngành bia đang ngày càng trở lên khốc liệt.

Nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng doanh thu của Sabeco luôn duy trì ở mức khá thấp. Chẳng hạn như năm 2014, tăng trưởng doanh thu thuần của Sabeco chỉ ở mức 4,6%. Con số này năm 2015 dù được cải thiện nhưng cũng ở mức 8,1%. Sang đến 9 tháng đầu năm 2016, mức tăng doanh thu thuần so với cùng kỳ của Sabeco là 8,9%, dù vẫn giữ đà tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp.

Dù sao thì vẫn còn nhiều thông tin tốt cho thấy thị trường bia Việt Nam còn nhiều triển vọng, chẳng hạn như sản lượng bia tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam dù cao thứ 3 Châu Á nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình của nhóm 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới, hay như việc thu nhập của người Việt Nam đang gia tăng với tốc độ nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu trở lên. Hơn nữa, Sabeco vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong phân khúc thị trường bia cao cấp, vốn đang bị thống trị bởi Heineken.

Tin mới lên