Tài chính

Thế giới Di động sẽ sớm tăng trưởng chậm lại?

(VNF) – Chiến lược kinh doanh của Thế giới Di động đang đẩy chính tập đoàn này vào tình trạng bão hòa cục bộ, khiến doanh thu bình quân mỗi cửa hàng thegioididong.com và dienmayxanh.com giảm dần.

Thế giới Di động sẽ sớm tăng trưởng chậm lại?

Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng thegioididong.com đang giảm dần

Những dấu hiệu chớm nở

Vài năm trở lại đây, không ai là không biết đến CTCP Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ). Tính đến hết tháng 8/2016, số lượng siêu thị của TGDĐ trên toàn quốc đã lên đến con số 1.017, trong đó, số lượng siêu thị thegioididong.com là 880 siêu thị, còn lại là 137 siêu thị dienmayxanh.com.

8 tháng đầu năm 2015, số lượng siêu thị của TGDĐ chỉ là 501 siêu thị, trong đó có 446 siêu thị thegioididong.com và 33 siêu thị dienmayxanh.com.

Số lượng siêu thị tăng trưởng chóng mặt trong những năm qua đồng nghĩa với việc doanh thu của TGDĐ cũng vọt lên qua các năm. Năm 2013, doanh thu thuần của TGDĐ "chỉ" là 9.498 tỷ đồng, vậy mà đến năm 2015, con số này đã tăng lên 25.252 tỷ đồng, nghĩa là vượt xa mốc 1 tỷ USD.

8 tháng đầu năm 2016, doanh thu của TGDĐ thậm chí còn vượt doanh thu cả năm 2015, đạt mức 27.028 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, một thông tin khá ngạc nhiên khi trong tháng 8/2016, số lượng cửa hàng thegioididong.com chỉ tăng có 2 cửa hàng. Nếu tính thêm 22 cửa hàng phải đóng cửa do quyết định của Big C thì số lượng cửa hàng thegioididong.com mới tăng thêm trong tháng 8 chỉ là 24 cửa hàng.

Con số này thấp hơn rất nhiều so với các tháng trước đó. Cụ thể, số lượng cửa hàng thegioididong.com mới tăng thêm trong tháng 3 là 49 cửa hàng, tháng 4 là là 72 cửa hàng, tháng 5 là 61 cửa hàng, tháng 6 là 48 cửa hàng, tháng 7 là 51 cửa hàng.

Nhưng những số liệu này mới chỉ là dấu hiệu nhỏ cho thấy TGDĐ sẽ sớm tăng trưởng chậm lại. Dấu hiệu quan trọng hơn nằm ở doanh thu bình quân hàng tháng của mỗi cửa hàng thegioididong.com.

Thống kê cho thấy, doanh thu bình quân hàng tháng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016 của mỗi cửa hàng thegioididong.com là 2,83 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Con số này trong 7 tháng đầu năm 2016 là 2,71 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, trong 8 tháng đầu năm 2016 là 2,76 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Trong khi đó, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng thegioididong trong 6 tháng đầu năm 2015 là 3,52 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, trong 7 tháng đầu năm 2015 là 3,46 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, trong 8 tháng đầu năm 2015 là 3,41 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Như vậy, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng thegioididong.com năm 2016 theo thống kê các tháng trên đã đồng loạt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2015. Lưu ý rằng từ tháng 6/2015, TGDĐ mới công bố chi tiết doanh thu của từng chuỗi cửa hàng thegioidiong.com và dienmayxanh.com.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra đối với chuỗi dienmayxanh.com. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng dienmayxanh.com trong 6 tháng đầu năm 2016 là 8,39 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, trong 7 tháng đầu năm 2016 là 7,73 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, trong 8 tháng đầu năm 2016 là 6,96 tỷ đồng. Con số này giảm lần lượt 12%, 15% và 19% so với cùng kỳ năm 2015.

Vậy tại sao tình trạng này lại xảy ra với 2 chuỗi siêu thị của TGDĐ?

Bão hòa cục bộ

Nếu nói rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do thị trường điện thoại, điện máy tại Việt Nam đang dần bão hòa thì hẳn đó là một nhận định vội vàng, chưa chính xác.

Dư địa thị trường nội địa còn nhiều, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ngày càng tăng, các hãng công nghệ vẫn sẽ liên tục tung ra các sản phẩm mới kích hoạt nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng… là một vài lý do cho thấy thị trường điện thoại, điện máy ở Việt Nam khó lòng bão hòa trong tương lai gần.

Tuy nhiên, vấn đề của TGDĐ gặp phải vẫn là bão hòa, nhưng là bão hòa cục bộ. Điều này xuất phát từ chiến lược của tập đoàn này.

Cách làm của TGDĐ lâu này là tìm kiếm và phát hiện thị trường, sau đó khoanh vùng thị trường. Vùng thị trường tùy theo mật độ dân số, có thể phân theo một phường, một huyện, một thị xã, một quận hay một thành phố.

Tiếp đó, TGDĐ sẽ nhanh chóng mở nhiều cửa hàng thegioididong.com trên cùng một diện tích vùng đó và ngay lập tức làm bão hòa thị trường bán lẻ điện thoại tại nơi đó. Động thái này vừa khiến TGDĐ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường cục bộ, vừa nhanh chóng "tiêu diệt" các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ trong vùng.

Tuy nhiên, các "ông lớn" bán lẻ công nghệ khác như: FPT Shop, Viettel Store hay Viễn Thông A cũng không thể ngồi yên. Các doanh nghiệp này cũng mở cửa hàng tại vùng mà TGDĐ mở và do vậy, càng làm bão hòa thị trường tại nơi đó.

Bão hòa thị trường cục bộ, cộng với cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu khác đương nhiên sẽ khiến doanh thu mỗi cửa hàng của thegioididong.com giảm dần.

Ngoài ra, chiến lược mở nhiều cửa hàng trên cùng một vùng cũng khiến một hoặc một vài cửa hàng trong số đó có doanh thu không được tốt bằng các cửa hàng còn lại.

Dù hơi khác một chút nhưng với chuỗi dienmayxanh.com, cơ chế cũng tương tự như vậy. Hiện nay, chỉ cần xuất hiện một cửa hàng dienmayxanh.com tại vùng nào thì ngay lập tức, rục rịch các thương hiệu khác như Trần Anh, Pico… cũng mở cửa hàng tại nơi đó chứ không để TGDĐ một mình chiếm lấy thị trường như chuỗi thegioididong.com.

Bao giờ tăng trưởng chậm lại?

Có 2 thời điểm sẽ khiến TGDĐ buộc phải tăng trưởng chậm lại. Một là khi doanh thu bình quân mỗi cửa hàng giảm xuống đến ngưỡng giới hạn. Hai là khi TGDĐ không còn đủ nguồn lực tài chính để duy trì tốc độ đầu tư mở rộng số lượng cửa hàng.

Như đã trình bày ở trên, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng trong cả chuỗi thegioididong.com lẫn chuỗi dienmayxanh.com của TGDĐ đều đang giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2015.

Hẳn lãnh đạo TGDĐ cũng đã lường trước được việc này và đã tính toán ngưỡng giới hạn tối thiểu cho doanh thu bình quân mỗi cửa hàng.

Đồng thời, trong thời gian tới, nhiều khả năng TGDĐ sẽ tăng cường các biện pháp marketing nhằm làm chậm quá trình giảm doanh thu bình quân mỗi cửa hàng. Nếu các biện pháp này đủ mạnh mẽ thì đôi lúc sẽ khiến doanh thu bình quân tăng nhẹ trở lại trong một thời gian nhất định, nhưng không dài.

Mặt khác, việc không đủ nguồn lực tài chính để duy trì việc gia tăng số lượng cửa hàng cũng sẽ là nguyên nhân quan trọng khiến TGDĐ tăng trưởng chậm lại.

Năm 2015, TGDĐ đã bắt đầu phải coi nợ vay là nguồn lực đầu tư quan trọng thay vì chỉ dùng phần lớn vốn tự có như trước đây. Nợ vay của TGDĐ đã tăng vọt lên mức 618 tỷ đồng năm 2014 lên mức 2.052 tỷ đồng năm 2015. 6 tháng đầu năm 2016, nợ vay của TGDĐ giảm nhẹ xuống còn 1.791 tỷ đồng. Sắp tới, TGDĐ còn phải dành thêm nguồn lực vào dự án triển khai chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Áp lực doanh thu bình quân mỗi cửa hàng giảm dần và áp lực sắp xếp vốn đầu tư trong khi vẫn phải cân đối tài chính là 2 áp lực chính có thể khiến TGDĐ sớm tăng trưởng chậm lại.

Tin mới lên