Tài chính

Tổng nợ vay của Vinachem vượt 30.000 tỷ đồng

(VNF) – Vinachem hiện đang gánh hơn 30.000 tỷ đồng nợ vay, hơn một nửa trong số đó là đến từ Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình.

Tổng nợ vay của Vinachem vượt 30.000 tỷ đồng

Tổng nợ vay của Vinachem vượt 30.000 tỷ đồng, gấp 1,43 lần vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2015 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thì tổng nợ vay của tập đoàn này đạt mức 30.094 tỷ đồng, gấp 1,43 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 11.825 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, 18.269 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

2 con nợ chính của Vinachem là Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) chiếm tới hơn một nửa tổng nợ vay của tập đoàn.

Cụ thể, Đạm Hà Bắc hiện đang vay ngắn hạn tổng cộng 775 tỷ đồng, trong đó, 556 tỷ đồng là vay từ VietinBank và 219 tỷ đồng là vay từ Vietcombank.

Số tiền vay dài hạn của Đạm Hà Bắc thậm chí còn lớn hơn nhiều khi đạt 6.711 tỷ đồng tính đến hết năm 2015. Trong đó, tiêu biểu là khoản vay 3.126 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), khoản vay 2.636 tỷ đồng từ VietinBank và các Ngân hàng đồng tài trợ và khoản vay 658 tỷ đồng từ VietinBank – CN Bắc Giang.

Như vậy, tổng nợ vay của Đạm Hà Bắc tính đến hết năm 2015 là 7.486 tỷ đồng.

Với Đạm Ninh Bình thì khoản nợ lớn nhất của công ty này là khoản nợ với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc (vay thông qua công ty mẹ - Vinachem) với tổng số tiền lên tới 4.507 tỷ đồng, thời hạn vay là 15 năm. Tiếp đến là khoản vay nợ 2.669 tỷ đồng bằng VND và 39 tỷ đồng bằng USD (vay thông qua công ty mẹ - Vinachem) từ VDB – CN Ninh Bình.

Ngoài ra, Đạm Ninh Bình cũng vay dài hạn 43 tỷ đồng từ BIDV – CN Tây Hồ,

Đồng thời, Đạm Ninh Bình cũng đang vay ngắn hạn 1.563 tỷ đồng, trong đó, 800 tỷ đồng là vay từ BIDV – CN Tây Hồ và 762 tỷ đồng là vay từ Vietcombank – CN Ninh Bình.

Như vậy, tổng nợ vay của Đạm Ninh Bình tính đến hết năm 2015 là 8.821 tỷ đồng.

Theo các số liệu trên thì tổng nợ vay của Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình tính đến hết năm 2015 là 16.307 tỷ đồng.

Theo báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017, Vinachem đã đặt kế hoạch lỗ 806 tỷ đồng trong năm 2016. Theo số liệu mới nhất thì nửa đầu năm 2016, Vinachem đã lỗ 203 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vinachem cũng đề nghị lên Chính phủ một loạt ưu đãi khủng như: cấp thêm vốn điều lệ từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương; giảm thuế giá trị gia tăng đối với phân bón ure xuống còn 0%; bảo lãnh dự án Muối mỏ Kali tại Lào; bán than cho sản xuất phân bón với giá bằng 80% giá than hiện nay; vốn hóa 2.708 tỷ đồng nợ vay của VDB tại Đạm Ninh Bình, nếu không được thì cho khoanh nợ 5 năm; khoanh khoản nợ của Đạm Ninh Bình với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc trong thời gian 5 năm…

Tin mới lên