Tài chính

TP.HCM trở thành điển hình chậm cổ phần hóa DNNN

(VNF) - "Thành phố Hồ Chí Minh chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp", văn bản của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nêu đích danh.

TP.HCM trở thành điển hình chậm cổ phần hóa DNNN

"Ông lớn" Satra của TP.HCM đến nay vẫn chưa cổ phần hóa dù trước đó đã có dự kiến thực hiện trong quý II/2017

Theo báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm 2017 của Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kế hoạch năm 2017 hoàn thành cổ phần hóa 45 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong danh mục 137 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dự kiến sẽ chỉ có 40/45 sẽ hoàn thành cổ phần đúng kế hoạch (có 6 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa, 14 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 20 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp).

6 tháng đầu năm, thoái vốn nhà nước đạt tỷ lệ thấp, mới thu được 11.589,3 tỷ đồng, vẫn chậm thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Habeco, Sabeco.

Ngoài ra, việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC còn chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch .

Về nguyên nhân, theo Ban chỉ đạo, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN chưa quyết liệt trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN.

"Thành phố Hồ Chí Minh chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp", văn bản của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nêu đích danh.

Thêm vào đó, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết gặp vướng mắc khi áp dụng Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán nên thời gian từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến IPO sẽ dài hơn 18 tháng, do đó các doanh nghiệp phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn IPO và không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác liên quan là sau khi được Kiểm toán nhà nước kiểm toán, có nhiều doanh nghiệp có chênh lệch rất lớn giữa giá trị sổ sách với giá trị công bố. Do chưa có quy định nên các bộ phải đề nghị Thủ tướng cho phép không điều chỉnh lại giá trị sổ sách theo các tiền lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Tân Biên. Việc này làm kéo dài thêm thời gian cổ phần hóa.

Một số cái tên đình đám rơi vào tình cảnh chênh lệch giá trị sau kiểm toán có thể kể đến như: Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn giá trị sổ sách là 31.000 tỷ, giá trị công bố là 46.500 tỷ - chênh lệch 15.500 tỷ; Tổng công ty Điện lực Dầu khí giá trị sổ sách là 22.000 tỷ, giá trị công bổ lồ 33.000 tỷ - chênh lệch 11.000 tỷ, Tổng công ty Phát điện 3 giá trị sổ sách là 24.900 tỷ, giá trị công bố là 28.000 tỷ - chênh lệch 3.100 tỷ...

Ban chỉ đạo cũng đánh giá, việc tổ chức thực hiện còn chưa quyết liệt, có tâm lý thận trọng, an toàn, không sáng tạo. Một số bộ, ngành, địa phương hiểu, thực hiện chưa đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chưa được ban hành cũng là lý do để một số cơ quan, đơn vị trì hoãn cổ phần hóa.

Tin mới lên