Tài chính

Trùm đặt phòng Agoda kiếm bộn tiền vẫn 'lọt sổ' cơ quan thuế trong nhiều năm?

(VNF) - Sau khi doanh nghiệp Việt lên tiếng tố cáo Agoda trốn thuế tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã yêu cầu tính VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với các trang mạng nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn tại Việt Nam như: Agoda, Traveloka, Booking.

Trùm đặt phòng Agoda kiếm bộn tiền vẫn 'lọt sổ' cơ quan thuế trong nhiều năm?

Ảnh: website agoda.com

Ngày 18/1/2017, Bộ Tài chính đã có công văn 484 hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến nước ngoài như Agoda, Traveloka, Booking, Expedia... về vấn đề nộp thuế tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 5% tổng doanh thu.

Theo đó câu hỏi đặt ra là: Có phải việc ra đời công văn này có nghĩa là từ trước đến nay những công ty này đã trốn thuế tại Việt Nam?

Agoda kiếm nghìn tỷ nhưng trốn thuế?

Nhìn lại lịch sử phát triển, Agoda ra đời cuối những năm 90 dưới tên gọi PlanetHoliday.com. Đây chính là trang web đặt phòng trực tuyến đầu tiên trong ngành công nghiệp đầy tiềm năng mà sau này trở thành ngành kinh doanh thu về triệu đô.

2 năm trước khi về tay Priceline - tập đoàn toàn cầu chuyên về lữ hành và các dịch vụ trực tuyến liên quan du lịch, lữ hành với doanh thu hang năm lên đến 10 tỷ USD, năm 2005, PlanetHoliday.com đã sáp nhập với một website đối tác ở Thái Lan là PrecisionReservations.com thành lập công ty Agoda.

Bên cạnh Agoda.com, Priceline Group còn sở hữu nhiều công ty tên tuổi khác như Booking.com, Priceline.com, Kayak.com…

Agoda.com là một công ty hỗ trợ du lịch trực tuyến cho người dùng có trụ sở tại Singapore. Công ty này hiện tại chỉ hoạt động tại châu Á và hỗ trợ người du lịch châu Á đặt phòng khách sạn với tiêu chí tìm kiếm phòng nghỉ giá rẻ nhất cho người đi du lịch.

Ngoài ra, Agoda còn có đối tác ở các thành phố lớn trên khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông, Châu Âu và châu Mỹ. Điểm mạnh của trang thương mại điện tử này là cung cấp dịch vụ bằng 38 ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên, Agoda chưa có chi nhánh tại Việt Nam. Hiện có một vài trung tâm đặt phòng khách sạn "ăn theo" thương hiệu này khiến nhiều người lầm tưởng đó là chi nhánh của Agoda tại Việt Nam. Đại diện của Trung tâm hỗ trợ Agoda Việt Nam có trụ sở ở Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) và Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) thừa nhận họ không phải là chi nhánh của Agoda.

Trước đó, vào chiều ngày 5/12, Công ty Vntrip OTA, đơn vị chủ quản của startup du lịch Vntrip.vn đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí với nội dung "Vntrip.vn khởi kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam".

CEO Vntrip.vn Lê Đắc Lâm đã chỉ ra cách trốn thuế của Agoda.

Vntrip.vn là một startup mới nổi trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến tại Việt Nam, được thành lập bởi các nhà đầu tư từ Việt Nam và Hongkong. Đồng sáng lập và điều hành Vntrip là Lê Đắc Lâm - một CEO trẻ thuộc thế hệ 8X và là con trai ông Lê Đắc Sơn, nguyên Tổng giám đốc VPBank, hiện là Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đại Nam.

Ông Lê Đắc Lâm đã chỉ ra cách trốn thuế của Agoda. CEO Vntrip.vn cho biết đơn vị này thuộc một công ty ở Hồng Kông, nhưng "chủ" là người Việt, có pháp nhân và trụ sở ở Việt Nam. Đó là sự khác nhau lớn nhất giữa Agoda và Vntrip.vn dẫn tới việc Vntrip.vn phải đóng thuế như tất cả các doanh nghiệp Việt khác còn Agoda thì không.

Cụ thể, ông Lâm phân tích khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này trả lại 80 USD cho khách sạn tại Việt Nam và thu về 20 USD tiền phí (hoa hồng). Số tiền này được chuyển thẳng về công ty Agoda tại Singapore và Việt Nam không thu được đồng thuế nào.

CEO của Vntrip.vn ước tính, nếu như năm 2020, chỉ cần 50% doanh thu đến từ khách nội địa cũng đủ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch và nếu không có chế tài kiểm soát Agoda, Việt Nam có thể thất thoát đến 10.000 tỷ đồng tiền thuế.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là vào tháng 4/2016, Vntrip từng công bố rộng rãi việc kí kết hợp tác chiến lược với Booking.com để trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam được cấp quyền truy cập vào mạng lưới khách sạn của Booking.com trên toàn thế giới. Do đó, việc Vntrip ký kết hợp tác chiến lược với Booking.com nhưng lại đi khởi kiện Agoda.com – vốn là 2 công ty cùng một hệ thống – là một động thái khá lạ.

Trong khi đó, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: "Không phải Agoda trốn thuế mà Việt Nam chưa có cơ chế, quy định pháp luật cụ thể để thu thuế với những trường hợp cung cấp dịch vụ kiểu này. Trường hợp Agoda không khác nào Google, Yahoo hay Facebook cả". 

Theo nhiều công ty du lịch, các trang mạng đặt phòng như Agoda, Traveloka, Booking, Expedia,... chiếm doanh số ngày càng lớn, lên đến cả ngàn tỷ đồng. Trong đó, Agoda.com đứng đầu bảng khi nhận mức phí hoa hồng các khách sạn chia lại từ 10 - 25%.

Agoda được đánh giá là đứng đầu bảng các trang mạng đặt phòng tại Việt Nam.

Vào Việt Nam từ khoảng năm 2010 nhưng chỉ sau 6 năm, Agoda đã chiếm thị phần lớn nhất, với lượng khách hàng nhiều nhất nên giá phòng tại Agoda.com luôn thấp nhất, số lượng phòng cũng áp đảo. Chuyên gia trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến ước tính riêng Agoda một năm kiếm được ở Việt Nam khoảng 4.500 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD.

Cơ quan quản lý nói gì?

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho rằng Agoda là một trang thương mại điện tử, tất nhiên phải đóng thuế. "Vấn đề là phải xem nó nằm ở đâu. Nếu trụ sở Agoda ở nước ngoài thì họ hoạt động theo luật pháp nước ngoài còn nếu họ có chi nhánh tại Việt Nam lại là câu chuyện khác".

Vị này cho biết thêm về nguyên tắc nếu tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài "thò tay" vào Việt Nam lấy tiền từ đây đi thông qua việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa ở ta thì gọi là tổ chức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhưng không hiện diện. Theo Luật Đầu tư, cơ quan thuế có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu.

"Còn với Agoda, dịch vụ của họ phát sinh hoàn toàn ở nước ngoài thì làm sao thu thuế được? Họ hoạt động ở đâu thì chỉ phải tuân thủ theo quy định của nước đó và phải kê khai, nộp thuế tại đó thôi", ông Thi nói.

Cũng về câu chuyện của Agoda và các website đặt phòng nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, đối với những nhà thầu có thu nhập phát sinh từ Việt Nam phải nộp thuế nhà thầu. Đó là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì các doanh nghiệp này có văn phòng tại Việt Nam nhưng không hiện diện tại Việt Nam mà tại nước ngoài, vậy thì có cách nào quản lý và có chế tài nào? Bộ Tài chính trả lời rằng với quản lý thuế thì Luật Quản lý thuế đã quy định cũng như trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, đối với cơ sở lưu trú tại Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài thì cơ sở lưu trú tại Việt Nam phải có trách nhiệm khấu trừ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thay cho tổ chức, cá nhân tại nước ngoài. Nếu như trường hợp không nộp thì bản thân cơ sở này phải chịu trách nhiệm, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thấy rằng thương mại điện tử là vấn đề hết sức mới, do đó Bộ chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục nghiên cứu để làm sao bao quát hết những vấn đề phát sinh mới để quản lý một cách chặt chẽ nhất.

Chuyển giá tinh vi?

Câu chuyện một số trang trực tuyến nước ngoài trong lĩnh vực du lịch bị cáo buộc thu tiền tỷ tại Việt Nam nhưng né thuế đang cho thấy vẫn còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý thuế hiện nay.

Chính Tổng cục Thuế cũng nhận thấy sự bất cập này nên cuối tháng 11/2016 đã ban hành công văn triển khai chương trình chống thất thu thuế đối với kinh doanh du lịch.

Công văn này lưu ý việc một số khách sạn thường ký hợp đồng bán phòng trọn gói cả năm với các đối tác nước ngoài là công ty du lịch quốc tế, website đặt phòng để đối tác nước ngoài tiếp tục bán phòng khách sạn cho khách quốc tế. Các đối tượng này phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định.

Theo khảo sát gần đây của Cục Thương mại Điện tử và CNTT Việt Nam (VECITA), trong năm 2015, giá trị trung bình của giỏ hàng thương mại điện tử của người tiêu dùng Việt Nam trị giá 150 USD so với mức 30 USD vào năm 2012 và được dự đoán sẽ đạt mức 600 USD và năm 2020. Điều đáng nói là nhiều sản phẩm số hóa trên thương mại điện tử rất khó xác định giá trị thực và giá bán hoặc nhiều sản phẩm là các tài sản vô hình.

Thương mại điện tử cũng đặt ra thách thức trong việc xác định bản chất giao dịch và giá trị, giá bán sản phẩm vô hình. Hơn nữa, nó còn thách thức trong việc tìm kiếm các giao dịch độc lập hoặc các bên độc lập để so sánh trong quá trình xác định giá tính thuế…

Theo kết quả khảo sát của Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, hơn 50% doanh nghiệp đã chuẩn bị xây dựng các bước trên dự thảo báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS). Trong đó, có 80% doanh nghiệp ưu tiên xác định giá chuyển nhượng khi dành ít nhất 2 giờ/tuần.

Tin mới lên