Tài chính

TS Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất, tỷ giá sẽ tăng trong năm 2017

(VNF) - Theo phân tích của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong năm 2017, dưới nhiều áp lực, lãi suất và tỷ giá hối đoái có thể sẽ tăng một vài phần trăm.

TS Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất, tỷ giá sẽ tăng trong năm 2017

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng lãi suất và tỷ giá hối đoái sẽ tăng trong năm 2017

Lãi suất sẽ tăng tối đa 2% trong năm 2017

Tại Hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản 2017 tác động chính sách" do VnREA và Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức sáng 20/12, TS Lê Xuân Nghĩa đã đưa ra một số nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô trong năm 2017.

Cụ thể theo ông Nghĩa, nếu loại bỏ những yếu tố mùa vụ, trùng lặp trong thống kê tăng trưởng thì trong giai đoạn 2015 – 2016, nền kinh tế Việt Nam đạt đỉnh vào quý II/2015, chạm đáy vào quý II/2016. Còn quý III và quý IV/2016 là giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng trở lại.

"Đấy là phân tích ngắn hạn, còn trong dài hạn, cụ thể từ 2015 – 2023, phân tích cho thấy dù tốc độ không cao lắm nhưng nhìn chung đường cong tăng trưởng đi lên", ông Nghĩa nói.

Lãi suất sẽ tăng từ 1 - 2% trong năm 2017, tùy thuộc vào sự điều hành của ngân hàng trung ương

Lãi suất sẽ tăng từ 1 - 2% trong năm 2017, tùy thuộc vào sự điều hành của ngân hàng trung ương

Nhận định về tình hình lãi suất năm tới, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng áp lực tăng lãi suất là có thực, tuy nhiên không lớn lắm.

"Áp lực tăng lãi suất đến từ 4 yếu tố. Một là từ lạm phát và tăng lương cơ bản. Hai là từ việc FED nâng lãi suất đồng USD, dự kiến sẽ nâng 3 lần trong năm 2017. Ba là lãi suất liên ngân hàng đang nhích lên và có xu hướng vượt qua đáy. Và bốn là lợi suất trái phiếu chính phủ - thứ chỉ dãn cho lãi suất toàn thị trường – đang có thiên hướng đi lên".

"Với 4 áp lực đó, chúng tôi dự báo trong năm 2017, lãi suất có thể tăng từ 1% hoặc nhiều nhất là 2%, tùy thuộc vào sự điều hành của ngân hàng trung ương".

Về tỷ giá hối đoái, TS Nghĩa cũng cho rằng hiện đang có một số áp lực khiến tỷ giá có xu hướng tăng.

Cụ thể đó là khả năng thâm hụt thương mại trong năm tới có thể tăng lên rất nhiều, dự báo khoảng 4 – 5 tỷ USD. Bên cạnh đó là sự tăng giá của đồng USD và việc Trung Quốc điều chỉnh tới 2 lần tỷ giá hối đoái.

"Chúng tôi dự báo tỷ giá hối đoái có thể tăng một vài phần trăm trong năm tới", ông Nghĩa cho hay.

Thị trường bất động sản chịu tác động lớn từ nhân tố Trung Quốc

Đánh giá riêng về thị trường bất động sản, ông Nghĩa lưu ý Trung Quốc đang trở thành một nhân tố ngày càng bất định đối với nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

"Khi Hồ Cẩm Đào đặt vấn đề Trung Quốc muốn trở thành cường quốc thì lấy cái gì làm ngọn cờ, ông nói tự do – dân chủ không được vì người Mỹ đã lấy rồi, chủ nghĩa dân tộc cũng không được vì các nước xung quanh sẽ hoảng sợ do lo sợ bị xâm lược. Câu hỏi để ngỏ đó của Hồ Cẩm Đào sau này đã được Tập Cận Bình trả lời bằng chiến lược "nhất đới nhất lộ" (một vành đai, một con đường), tức là phát triển hạ tầng ra toàn châu Á".

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định chiến lược

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định chiến lược "nhất đới nhất lộ" sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hạ tầng Đông Nam Á và Việt Nam, qua đó tác động mạnh tới bất động sản

Trung Quốc bắt đầu khởi công con đường cao tốc từ Vân Nam sang Băng Cốc, dự kiến từ đó chạy thẳng sang Singapore và một nhánh khác từ Băng Cốc chạy về TP. HCM, chạy ra Hà Nội.

"Tôi nghĩ trong dài hạn, ‘nhất đới nhất lộ’ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hạ tầng của Đông Nam Á và của Việt Nam. Trên nền tảng đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển bền vững hơn và cơ hội dài hạn rất rõ vì bất động sản lúc nào cũng gắn liền với hạ tầng", ông Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, điều đáng lưu tâm là Trung Quốc hiện nay có vẻ như đang thừa vốn. WB, ADB đầu tư hạ tầng toàn châu Á cũng chỉ có 12 tỷ USD mà riêng Trung Quốc đã rót tới 250 tỷ USD. Không chỉ vậy, họ còn lập 4 định chế tài chính lớn và đang xúc tiến đầu tư mạnh mẽ vào Đông Nam Á.

"Tôi cảm thấy người dân Việt Nam hoảng sợ trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc, song tôi nghĩ chúng ta cần lựa chọn một đối sách sao cho vừa có thể sử dụng được nguồn lực này vừa kiểm soát được nó", ông Nghĩa nói.

Tin mới lên