Tài chính

Từ 1/7, hàng mua bán trong nước không được hoàn thuế

(VNF) - Từ sau 1/7/2016, chỉ còn hai trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng và hàng mua bán trong nước sẽ chỉ còn được khấu trừ và tiếp tục khấu trừ chứ không được hoàn thuế.

Từ 1/7, hàng mua bán trong nước không được hoàn thuế

Số thuế GTGT đầu vào của hàng mua bán trong nước chỉ có thể khấu trừ và chuyển khẩu trừ cho đến hết.

Theo quy định sửa đổi tại Khoản 3 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13, có đến 3 thay đổi quan trọng trong chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng ngay từ 1/7/2016.

Hàng mua bán trong nước không được hoàn thuế

Khoản 3 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 quy định: "Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo".

So với quy định trước đó, Khoản 7 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 ngoài việc cho phép khấu trừ và chuyển khấu trừ số thuế GTGT đầu, còn cho phép "... trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ mà vẫn còn số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế "

Như vậy, kể từ 1/7/2016, số thuế GTGT đầu vào của hàng mua bán trong nước chỉ còn được phép khấu trừ và tiếp tục khấu trừ không hạn chế số lần trong các kỳ thuế tiếp theo. Việc hoàn thuế GTGT trong lĩnh vực thương mại nội địa xem như không còn tồn tại.

Hoàn thuế có điều kiện đối với dự án đầu tư mới

Số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới chưa góp đủ vốn điều lệ hoặc không đáp ứng điều kiện kinh doanh chỉ được khấu trừ, không xét hoàn.

Mặc dù vẫn giữ nguyên quy định cho phép xét hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư mới đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT lũy kế từ 300 triệu đồng trở lên, tuy nhiên, việc hoàn thuế trong trường hợp này là có điều kiện: phải góp đủ vốn điều lệ; nếu dự án thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng và duy trình điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.

Riêng dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản còn phải đảm bảo 2 điều kiện sau: được cấp phép trước ngày 1/7/2016 và tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm không quá 50% giá thành sản phẩm

Hàng nhập khẩu để xuất khẩu và hàng xuất khẩu ngoài địa bàn hải quan không được xét hoàn thuế GTGT

Vẫn theo quy định hiện hành, hàng xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào lũy kế từ 300 triệu đồng trở lên vẫn được xét hoàn thuế GTGT. Quy định mới tại Khoản 3 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 loại trừ 2 trường hợp không thuộc diện được hoàn thuế bao gồm hàng nhập khẩu để xuất khẩu và hàng xuất khẩu không thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan.

Hiện chưa có quy định hay hướng dẫn chi tiết về điều khoản này nên rất dè dặt khi xác định "Hàng nhập khẩu để xuất khẩu" là bao gồm hàng tạm nhập - tái xuất, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Tương tự, nếu địa bàn hoạt động hải quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật hải quan số 54/2014/QH13 hầu như đã bao gồm hầu hết các khu vực có giám sát hải quan, bao gồm: "Khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực đang lưu giữ hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, khu chế xuất, khu vực ưu đãi hải quan; các địa điểm làm thủ tục hải quan, kho ngoại quan, kho bảo thuế, bưu điện quốc tế, trụ sở người khai hải quan khi kiểm tra sau thông quan; các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ hải quan", việc hàng xuất khẩu trong địa bàn nào sẽ bị từ chối hoàn thuế có thể sẽ được hướng dẫn bởi một thông tư của Bộ Tài chính trong thời gian tới.

Tin mới lên