Tài chính

Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA

(VNF) - Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.

Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA

Tại cuộc họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA sáng ngày 22/3, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính quốc tế thuộc Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.

Giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn. Giai đoạn từ 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

"Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%", ông Long cho biết.

Với khoảng thời gian còn lại, ông Long cho hay, cần tranh thủ để đầu tư hiệu quả và chuyển dần cơ chế để sang giai đoạn mới vững vàng và chắc chắn hơn. 

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết hiện Bộ đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) về lộ trình chi trả các khoản vay để hạn chế tối đa các tác động của việc trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước, tránh gây sốc. 

"Nếu có thể đàm phán được lộ trình trả nợ với WB thì việc đàm phán với các tổ chức khác sẽ trở nên dễ dàng hơn vì hiện nay khoản vay từ WB chiếm phần lớn các khoản vay nước ngoài của Việt Nam", ông Long cho hay.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 – 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết đạt khoảng 45 tỷ USD. Trong đó, 1/3 vay cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của nhà nước.

Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2%; cho vay lại chỉ chiếm 7,8%.

Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của nhà nước, cho đến nay hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng. Cơ quan cho vay lại chỉ có vai trò là ngân hàng phục vụ và hưởng phí dịch vụ.  

Tin mới lên