Tài chính

Từng tuyên bố tẩy chay, nay bầu Đức lại tính bán rừng cao su cho Trung Quốc

(VNF) - Từng khẳng định chiến lược kinh doanh ngay từ đầu là không bán cao su cho Trung Quốc, không sản xuất cao su phục vụ Trung Quốc, nay bầu Đức lại tuyên bố nếu doanh nghiệp không được cứu sẽ tính bán từng cao su cho đối tác Trung Quốc.

Từng tuyên bố tẩy chay, nay bầu Đức lại tính bán rừng cao su cho Trung Quốc

'Hoàng Anh Gia Lai không sản xuất cao su cho Trung Quốc'

Năm 2014, trong một bài phỏng vấn, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho rằng, ở Việt Nam có một số công ty luôn chú trọng khách hàng là Trung Quốc, thậm chí chỉ có một khách hàng duy nhất là Trung Quốc.

"Tôi cũng không hiểu chiến lược phát triển của họ nhưng điều này, như tôi đã cảnh báo là rất nguy hiểm. Bởi khi Trung Quốc ngừng thu mua chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết 100%, bất cứ doanh nghiệp lớn nào cũng không thể làm ăn kiểu này. Vì nếu không bị lệ thuộc cũng rơi vào tình trạng bị ép giá không có lãi", ông nói.

Ông khẳng định: "Sản phẩm cao su của HAGL chưa bao giờ xuất khẩu sang Trung Quốc". Theo ông, xuất khẩu phụ thuộc một thị trường, chắc chắn sẽ chết. 

"Đó là do định hướng từ đầu từ doanh nghiệp. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định không bán cao su cho Trung Quốc, HAGL không sản xuất cao su phục vụ Trung Quốc. Do đó, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ, kỹ thuật hiện đại bên cạnh việc phát triển trồng cây cao su còn hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả thành phẩm sau chế biến", Chủ tịch HAGL tuyên bố.

Nợ nần lớn, tính bán rừng cao su cho đối tác Trung Quốc

Ngành cao su từng chứng kiến thời hoàng kim giai đoạn 2006 – 2011 khi giá xuất khẩu không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trong khu vực liên tục đạt đỉnh. Vào lúc đó, người nông dân đua nhau từ bỏ hàng trăm hecta điều, cà phê, rừng tự nhiên để chuyển sang trồng cao su.

Tiền liên tục được đổ vào cao su, không chỉ từ các cá nhân mà còn các các công ty nông nghiệp đến các công ty bất động sản rồi các ông lớn ngành vận tải, tài chính. Nhiều công ty đã mở hàng trăm dự án trồng cao su khắp Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và cả miền Bắc. Có doanh nghiệp còn trồng cao su sang tận Lào, Campuchia như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.

Tuy nhiên, điều gì đến cũng phải đến, sự tăng lên phi mã của phía cung sẽ khiến cho thị trường cao su trở nên cạnh tranh.  Đến năm 2014, sản lượng khai thác chững lại và năng suất cũng giảm, thị trường cao su lâm vào tình trạng trì trệ. Hậu quả là các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu cao su đều gặp khó khăn kéo dài. Hoàng Anh Gia Lai cũng không nằm ngoài những khó khăn đó.

Năm 2015 là một năm khó khăn đối với HAGL khi công ty lâm vào hoàn cảnh thiếu hụt dòng tiền, nặng gánh chi phí tài chính với hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay. Cổ phiếu HAG đã rớt thảm hại xuống còn xung quanh mức giá 5.300 đồng/cổ phiếu. Lời hứa giải cứu từ các cơ quan chức năng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có diễn tiến cụ thể. Những khoản nợ vay lơ lửng vẫn đang là mối đe dọa trực tiếp đến tình hình hoạt động của HAGL.

Cũng như công ty con HAGL Agrico, HAGL lên kế hoạch không lỗ thêm vào nửa cuối năm nay. Có nghĩa là cả năm 2016, HAGL dự kiến lỗ 1.191 tỷ đồng – bằng với khoản lỗ nửa đầu năm 2016.

Hiện tại, HAGL Agrico vay ngân hàng 8.168 tỷ đồng, nợ công ty mẹ (Tập đoàn HAGL) 10.327 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn vượt vay ngắn hạn, tình hình tài chính có nhiều khó khăn.

Chiều 15/9/2016, một trong những cuộc đại hội cổ đông được mong chờ nhất thị trường đã được tiến hành. Hoàng Anh Gia Lai sau một năm đầy sóng gió, đã chính thức triệu tập cổ đông để bàn về kết quả kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016. 

Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, hiện HAGL Agrico vẫn đang chờ Chính phủ quyết định phương án cơ cấu nợ. Trong trường hợp không được cứu thì HAGL Agrico thì có thể sẽ phải bán khoảng 20.000 ha cao su ở Lào cho một số đối tác (người Trung Quốc) để trả nợ, số tiền bán này tối thiểu là 8.000 tỷ đồng.

Giải thích cho tình hình kinh doanh bết bát của công ty, bầu Đức cho rằng định hướng là không sai nhưng do yếu tố khách quan là giá cao su giảm mạnh. Mặc dù HAGL Agrico mất cân đối về dòng tiền nhưng chưa đến nỗi chết, nếu một phần bán cao su và mía đường thì sẽ không còn nợ. "HAGL Agrico chưa đến nỗi chết", Chủ tịch HAGL Agrico tự tin.

Tuy nhiên, ông Đức cũng thông tin rằng đối tác Trung Quốc mua rừng cao su tại Lào là nhắm vào đất đai ở vị trí chiến lược, chứ không phải là kinh doanh cao su.

Ngoài ra, ông Đức cũng xác nhận đang đàm phán bán lại nhà máy đường tại Lào, dù định hướng của doanh nghiệp này là vẫn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thu hẹp các lĩnh vực khác.

Có thể nói, điệp khúc chờ nhà nước hỗ trợ không phải là mới đối với HAGL khi trước đó, mía đường của HAGL cũng phải "kêu cứu" và nhận được những ưu đãi từ Bộ Công Thương trong việc nhập khẩu về Việt Nam. Sự việc cũng gây tranh cãi  gay gắt một thời gian dài giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía đường… Tuy nhiên hiện tại dù đã được hỗ trợ nhưng ông chủ này lại cho biết "có thể sẽ bán luôn mảng mía đường…"

Tin mới lên