Tài chính

Tương lai nào đang đón chờ Thế Giới Di Động?

(VNF) – Dù kết quả kinh doanh năm 2016 của Thế Giới Di Động là cực kỳ lạc quan nhưng tương lai của tập đoàn công nghệ này vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm.

Tương lai nào đang đón chờ Thế Giới Di Động?

Tương lai của Thế Giới Di Động vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm

Vì đâu nợ tăng vọt?

Năm 2016 tiếp tục là năm tăng trưởng ấn tượng của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) khi doanh thu của doanh nghiệp này lên đến 45.612 tỷ đồng, tăng tới 78,7% so với năm 2015. Trong khi đó, lãi sau thuế cũng có bước tăng trưởng mạnh khi đạt 1.578 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 46,8%.

Tính ra, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) của TGDĐ ở mức rất cao, lần lượt là 14% và 50% trong năm 2016.

Tuy nhiên, song song với kết quả kinh doanh ấn tượng, một thông tin cũng rất đáng chú ý khác được ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 mà TGDĐ vừa công bố, đó là sự tăng vọt về nợ, cả về nợ phải trả lẫn nợ vay, cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2016, nợ phải trả của TGDĐ đã lên đến 10.965 tỷ đồng, gấp tới 2,3 lần con số 4.782 tỷ đồng của năm 2015. Trong đó, nợ vay ở mức 4.788 tỷ đồng, cũng gấp 2,3 lần năm 2015.

Nợ Thế Giới Di Động

Biểu đồ tình hình nợ của Thế Giới Di Động trong 3 năm gần đây

Với vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2016 của TGDĐ đạt mức 3.841 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2016 của TGDĐ đạt mức 2,85 lần, tăng mạnh so với mức 1,93 lần của năm 2015. Trong khi đó, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu năm 2016 của TGDĐ cũng tăng mạnh so với con số 0,83 lần của năm 2015, đạt 1,25 lần.

Vậy vì sao nợ của TGDĐ tăng vọt?

Nguyên nhân đầu tiên, khá khách quan, khiến nợ phải trả của TGDĐ tăng lên vượt xa mốc 10.000 tỷ đồng, là xuất phát từ việc doanh nghiệp này mở rộng quy mô kinh doanh với tốc độ rất nhanh trong năm 2016 (điều này thể hiện rõ qua doanh thu và tốc độ gia tăng doanh thu 2016).

Quy mô kinh doanh mở rộng, đồng nghĩa với việc TGDĐ nhập nhiều hàng từ các nhà cung cấp hơn, kéo theo các khoản nợ phải trả các nhà cung cấp này cũng tăng theo. Nếu như thời điểm kết thúc năm 2015, khoản mục "Phải trả người bán ngắn hạn" của TGDĐ chỉ đạt 1.971 tỷ đồng, thì đến hết năm 2016 đã tăng lên mức 4.683 tỷ đồng. Có thể kể đến như khoản phải trả Sony Điện tử Việt Nam 389 tỷ đồng, khoản phải trả Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam 184 tỷ đồng, phải trả Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel 71 tỷ đồng…

Nguyên nhân thứ hai, khá rõ ràng, là xuất phát từ tham vọng của TGDĐ trong việc phát triển chuỗi cửa hàng Điện máy Xanh và Bách Hóa Xanh, đòi hỏi nguồn vốn lớn và hệ quả là TGDĐ phải gia tăng mạnh nợ vay.

Chủ nợ lớn nhất của TGDĐ hiện nay là VietinBank với khoản vay 1.100 tỷ đồng, kế là Vietcombank và HSBC với khoản vay lần lượt trị giá 784 tỷ đồng và 664 tỷ đồng. Tổng cộng, TGDĐ vay 4.788 tỷ đồng của 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Tất cả các khoản vay này là vay tín chấp.

Tuy nhiên, vấn đề nợ vay của TGDĐ tăng mạnh không hẳn chỉ nằm ở tham vọng mở rộng kinh doanh, mà còn nằm ở vấn đề dòng tiền của doanh nghiệp này. Đây cũng là nguyên nhân thứ ba.

Năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp, TGDĐ ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là con số âm, cụ thể là âm (-) 603 tỷ đồng. Năm 2015, con số là âm (-) 641 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần kinh doanh âm có nghĩa là trên thực tế, TGDĐ không thu được tiền từ hoạt động kinh doanh dù có lãi đến cả nghìn tỷ đồng, thay vào đó còn phải chi tiền ra. Như vậy, với TGDĐ, điều này đã xảy ra suốt 2 năm gần đây.

Thế Giới Di Đông

Dòng tiền thuần kinh doanh của TGDĐ âm 2 năm liên tiếp, cho thấy suốt 2 năm nay, TGDĐ không thu được tiền từ hoạt động kinh doanh dù có lãi đến cả nghìn tỷ đồng

Song song với đó, nhu cầu mở rộng kinh doanh khiến dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tiếp tục là con số âm, cụ thể là âm (-) 1.256 tỷ đồng trong năm 2016.

Vì rằng dòng tiền thuần từ cả hoạt động kinh doanh lẫn hoạt động đầu tư của TGDĐ đều là số âm nên tập đoàn này buộc phải lấy dòng tiền từ hoạt động tài chính để bù đắp, cụ thể là dòng tiền từ hoạt động đi vay. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến nợ vay của TGDĐ tăng rất mạnh trong năm 2016.

Thực chất, cả 3 nguyên nhân trên đều xuất phát từ việc TGDĐ đang và sẽ tiếp tục mở rộng mạnh quy mô kinh doanh, với trọng tâm là phát triển chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, đồng thời duy trì sự đi lên của chuỗi Thegioididong.com và khởi động chuỗi Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, rõ ràng việc nợ tăng với tốc độ chóng mặt cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối, cho thấy TGDĐ cần có sự thận trọng cần thiết trong giai đoạn này, dù tham vọng có lớn đến đâu.

"Chờ đợi vào khả năng duy trì tăng trưởng"

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động với chủ đề "Chờ đợi vào khả năng duy trì tăng trưởng".

Theo đó, chuyên gia của VDSC cho rằng, sang năm 2017, chuỗi Thegioididong.com được nhận định sẽ phần nào chững lại về tăng trưởng và mở rộng. Thay vào đó, Điện máy Xanh sẽ là động cơ chính cho sự cải thiện kết quả kinh doanh của TGDĐ trong 2 năm tới. Mặc dù vậy, với tình trạng tương đối bão hòa của thị trường và gia tăng cạnh tranh từ các đối thủ hiện hữu, VDSC chưa đánh giá cao khả năng duy trì mức tăng trưởng thần kì trong dài hạn như TGDĐ đã có trước đây với chuỗi Thegioididong.com.

Dự phóng Thế Giới Di Động VDSC

Chi tiết dự phóng kết quả kinh doanh đối với chuỗi Thegioididong.com và chuỗi Điện máy Xanh của VDSC

Cụ thể hơn, chuyên viên ngành của VDSC đánh giá, việc tốc độ mở mới của 2 chuỗi trên sẽ chậm lại trong thời gian tới do độ bão hòa của thị trường và độ phủ đã đạt ngưỡng phù hợp. Trong 1 đến 2 năm tới, VDSC dự phóng Thegioididong.com và Điện máy Xanh sẽ đạt đỉnh về doanh thu và sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng. Do đó, TGDĐ sẽ phải dựa vào sự tăng trưởng ngành nhằm duy trì sự cải thiện trong kết quả kinh doanh.

Về chuỗi Bách Hóa Xanh, VDSC nhận định, 2017 sẽ là năm bản lề thứ 2 cho chuỗi Bách Hóa Xanh với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và cải thiện hiệu quả hoạt động. Với triển vọng tích cực của thị trường bán lẻ và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam với nhiều dư địa tăng trưởng, đây hứa hẹn là một bước đi sẽ mang lại sự đổi mới cho TGDĐ trong tương lai xa.

Mặc dù vậy, với những khó khăn từ việc mở rộng và đẩy mạnh chuỗi cửa hàng hiện hữu cũng với những vấn đề hệ thống Bách Hóa Xanh đang gặp phải như trung tâm phân phối hay cạnh tranh gay gắt với các chuỗi cửa hàng khác, VDSC cho rằng con đường của chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ gian nan hơn rất nhiều so với chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh.

Tin mới lên