Tài chính

Vẫn còn gần 400 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa chịu lên UPCoM

Đó là thông tin vừa được công bố tại Hội nghị Phổ biến một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính cùng HNX tổ chức sáng 15/12.

Vẫn còn gần 400 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa chịu lên UPCoM

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Đan Nguyên)

Theo ông Phạm Hải An – Phó trưởng Phòng đổi mới sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về yêu cầu phải đưa cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa lên giao dịch tại hệ thống giao dịch UPCoM.

Có thể kể đến như Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ban hành ngày 26/06/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ; hay trước đó nữa là Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ban hành ngày 15/09/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định pháp luật về cổ phần hóa và trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng của các doanh nghiệp khác theo quy định pháp luật về chứng khoán, tổ chức phát hành phải hoàn tất các thủ tục để đăng ký lại doanh nghiệp (nếu có), đăng ký lưu ký cổ phần, cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

"Tuy nhiên, việc thực hiện đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch cổ phần theo quy định nói trên còn hạn chế", ông An chia sẻ.

Cụ thể, còn gần 400 DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định hiện hành vì nhiều lý do khác nhau.

Điều này dẫn đến một thực tế là các nhà đầu tư đã mua cổ phần của các DN nói trên qua thị trường tự do, thị trường phi tập trung (OTC) nhưng lại không có kênh chuyển nhượng chính thức, phát sinh nhiều vi phạm, tranh chấp.

Ngoài ra, việc không đăng ký giao dịch trên thị trường tập trung khiến các phiên đấu giá cổ phần DNNN trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước.

Thông tư 115: "Thuốc đặc trị" DN chây ì

Nhằm tăng cường tính thực thi pháp luật, góp phần hạn chế doanh nghiệp chây ì, né tránh niêm yết, đăng ký giao dịch, ngày 30/6/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2016/TT-BTC (Thông tư 115) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2016.

Điểm đáng chú ý tại thông tư sửa đổi là quy định gắn hoạt động đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Thay vì phải trải qua 4 giai đoạn nộp hồ sơ khác nhau từ đấu giá, đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch như trước đây, thì nay theo Thông tư 115, doanh nghiệp sẽ chỉ phải hoàn thiện một bộ hồ sơ duy nhất gửi đồng thời cho sở giao dịch chứng khoán nơi tổ chức đấu giá và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), HNX. Sau khi có kết quả thanh toán, sở giao dịch chứng khoán nơi tổ chức đấu giá sẽ chuyển kết quả cho VSD và HNX tự động thực hiện các công việc tiếp theo đưa cổ phiếu lên giao dịch.

Đây là thay đổi mang tính kỹ thuật, nhưng tạo hiệu ứng đột phá nhất từ trước đến nay với vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Quyết định 51/2014/QĐ-TTg trước đây đã tạo bước tiến lớn bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải đưa cổ phiếu sau đấu giá vào giao dịch tập trung trên thị trường UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Thông tư 115 tiến thêm một bước quy định đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM (tự động đăng ký giao dịch UPCoM).

Điều này có nghĩa là chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội,  các quy định mới này giúp đưa phương thức cổ phần hóa IPO ở Việt Nam tiến gần với các thông lệ quốc tế IPO phải gắn với giao dịch trên sàn chứng khoán.

Còn đại diện Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng đánh giá, những thay đổi từ Thông tư 115 sẽ góp phần tăng tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham dự đấu giá, tăng tính hấp dẫn của cổ phần đưa ra đấu giá, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư bên ngoài tham gia, giá đấu sẽ cao hơn, thu nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp là: cổ phần được tự do chuyển nhượng.

Tin mới lên