Tài chính

Vì sao Masan muốn mua lại 100% cổ phần Masan Resources?

(VNF) – Nếu hoàn thành việc mua lại 100% cổ phần Masan Resources với mức giá bằng mức giá khởi điểm khi lên sàn UPCoM, Masan sẽ hoàn thành việc huy động vốn 100% triệu USD từ cổ đông nước ngoài là MRC Ltd. với giá rẻ nhờ đã "lách" được điều khoản chuyển đổi có lợi cho MRC Ltd và bất lợi đối với Masan.

Vì sao Masan muốn mua lại 100% cổ phần Masan Resources?

Tập đoàn Masan muốn sở hữu 100% quyền khai thác Mỏ Núi Pháo

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) vừa công bố kế hoạch chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) nhằm sở hữu 100% cổ phần của công ty này. Theo đó, Masan dự định sẽ chào mua toàn bộ cổ phiếu MSR với giá 15.500 VND/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm khi lên sàn UPCoM.

Theo phía Masan, cổ đông nước ngoài lớn của Masan Resources là Công ty MRC Ltd. hiện đang sở hữu 20,04% cổ phần MSR cũng bày tỏ sự quan tâm đối với việc bán lại cổ phần của mình trong đợt chào mua công khai này.

Đây là một quyết định khá bất ngờ của Masan. Vậy vì sao tập đoàn này lại có quyết định như vậy?

Nguyên nhân quan trọng nhất nằm ở điều khoản ràng buộc khi Masan huy động vốn từ cổ đông MRC Ltd. để thực hiện dự án khai thác Núi Pháo thông qua Masan Resources. Báo cáo thường niên năm 2012 của Masan có đề cập chi tiết đến điều khoản giao dịch giữa Masan và MRC Ltd.

Cụ thể, vào ngày 16/03/2011, Mount Kellett Capital Managements LP thông qua Công ty MRC Ltd. đã đăng ký mua cổ phiếu mới của Masan Resources bằng tiền có giá trị là 100 triệu USD, tương đương 2.059 tỷ đồng. Nhà đầu tư sở hữu 20% lợi ích trong Masan Resources.

Điều khoản ràng buộc để huy động 100 triệu USD từ MRC Ltd. là MRC Ltd. có quyền bán 20% quyền sở hữu trong Masan Resources đổi lấy cổ phiếu của Masan trong trường hợp Masan Resources chưa được niêm yết trong vòng 4,5 năm sau khi kết thúc giao dịch.

Số lượng cổ phiếu phát hành trong trường hợp quyền bán được thực hiện sẽ được căn cứ theo giá giao dịch cổ phiếu của Masan Resources và số lượng cổ phiếu để cho phép nhà đầu tư thu được tỷ lệ sinh lợi nội bộ hàng năm là 15%, dựa vào số tiền Đô la Mỹ đầu tư.

Theo tính toán sơ bộ, nếu như cam kết chuyển đổi diễn ra, MRC Ltd sẽ lãi tới 87,5% trên tổng số 100 triệu USD đã đầu tư.

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến Masan khá vội vàng khi đưa Masan Resources lên sàn UPCoM vào năm 2015, trong khi công ty này mới chỉ ghi nhận doanh thu từ năm 2014. Bởi một khi đưa Masan Resources lên sàn UPCoM, Masan sẽ tránh được điều khoản chuyển đổi rất có lợi cho MRC Ltd. này và đương nhiên người chịu thiệt nếu điều khoản chuyển đổi này được triển khai chính là Masan.

Điều này cũng giải thích động thái tiếp theo của Masan là mua lại toàn bộ cổ phiếu phổ thông MSR với mức giá 15.500 VND/cổ phiếu, trong đó có cả cổ phần của MRC Ltd.

Masan mua lại 100% Masan Resources

Masan được lợi lớn nếu hoàn tất thành công việc mua 100% cổ phần của Masan Resources

Với mức giá chỉ bằng mức giá chào mua công khai khi lên sàn UPCoM, rõ ràng Masan đã huy động được 100 triệu USD từ MRC Ltd. với giá rẻ và đến thời điểm hiện tại, khi Masan đã đủ tiềm lực tài chính, tập đoàn này lại quyết định "dứt tình" với MRC Ltd. mà không phải chi trả số tiền quá lớn do đã "lách" được cam kết chuyển đổi nhờ sớm niêm yết Masan Resources.

Theo tính toán sơ bộ, nếu toàn bộ cổ phần của MRC Ltd. được mua lại với giá 15.500 VND/cổ phiếu, MRC Ltd. chỉ thu về số tiền nhỉnh hơn số tiền đầu tư ban đầu khoảng hơn 6 triệu USD.

Vậy vì sao MRC Ltd. có thể chấp nhận phương án bất đắc dĩ này?

Thực tế thì hoạt động kinh doanh của Masan Resources từ khi khai thác năm 2014 không khả quan lắm. 9 tháng đầu năm 2016, Masan Resources mới chỉ lãi vỏn vẹn 100 tỷ đồng, không thấm vào đâu so với số tiền hàng trăm triệu USD mà cả Masan và MRC Ltd. đổ vào đây.

Hiện kỳ vọng về lợi nhuận của công ty này vẫn rất xa vời, bởi lợi nhuận của Masan Resources vẫn liên tục bị bào mòn bởi chi phí lãi vay quá lớn, đồng thời giá vonfram thế giới vẫn ở mức kém khả quan. Đó là chưa kể dòng tiền trả nợ gốc khổng lồ hàng năm. MRC Ltd. khó có thể đủ kiên nhẫn để theo đuổi dự án này, bởi thực chất đây là một quỹ đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, việc Masan muốn sở hữu 100% cổ phần của Masan Resources trong khi công ty này là doanh nghiệp cổ phần đang niêm yết trên sàn UPCoM cho thấy một giả thuyết là Masan Resources có thể rời sàn UPCoM, bởi một khi đã mua lại 100% cổ phần của Masan Resources, trên UPCoM sẽ khó có thể thấy được cổ phiếu MSR được giao dịch.

Nếu Masan Resources rời sàn UPCoM thì đây cũng là quyết định phù hợp, bởi nếu lợi nhuận không được cải thiện trong nhiều năm tới, nhiều khả năng thị giá cổ phiếu MSR của Masan Resources sẽ giảm dần, gây bất lợi lớn cho Masan.

Tin mới lên