Tài chính

VNPT bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu 2.054 tỷ đồng

(VNF) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 2.054 tỷ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

VNPT bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu 2.054 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu VNPT nộp thêm 2.054 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước

Theo báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước cho biết tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.

Cụ thể, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 11.364,8 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị có kiến nghị nộp ngân sách nhà nước lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 2.054 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV 1.755 tỷ đồng, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV 1.264 tỷ đồng...

Đặc biệt qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 2.050,6 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp qua đối chiếu thuế phải nộp tăng thêm 882 tỷ đồng.

Cá biệt qua đối chiếu thuế, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 1 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân về việc phát sinh một số giao dịch mua bán lớn (hàng tỷ đồng) bất thường, đáng ngờ, có dấu hiệu mua bán hóa đơn.

VNPT bị Kiểm toán Nhà nước truy thu 2.054 tỷ đồng ảnh 1

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân bị điều tra do có dấu hiệu mua bán hóa đơn

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2015, tổng số nợ thuế do ngành Thuế quản lý đã chạm mức 79.276 tỷ đồng, tăng 4,2% (3.203 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, nợ khó thu tiếp tục tăng mạnh (5.742,6 tỷ đồng – tương đương 42%), 56/63 địa phương có mức dư nợ khó thu tăng như: TP. HCM tăng 52% (số tuyệt đối tăng 1.882 tỷ đồng); Hà Nội tăng 25% (532,4 tỷ đồng), Quảng Nam tăng 392% (482,6 tỷ đồng), Phú Thọ tăng 172% (241,9 tỷ đồng), Bình Định tăng 86% (204,6 tỷ đồng), Bắc Kạn tăng 702% (54,1 tỷ đồng), Yên Bái tăng 713% (122,4 tỷ đồng)...

Nợ chờ xử lý giảm 33,8% (1.490 tỷ đồng) song 23/63 địa phương vẫn có dư nợ chờ xử lý tăng như Yên Bái bằng 4.038 lần so với năm 2014 (số tuyệt đối tăng 20,4 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu bằng 18 lần so với năm 2014 (số tuyệt đối tăng 17,7 tỷ đồng), Bình Thuận bằng 37 lần so với năm 2014 (số tuyệt đối tăng 55,3 tỷ đồng)...

Tin mới lên