Tài chính

Vốn chủ sở hữu gần 13.000 tỷ, Vicem chỉ tạo ra lợi nhuận hơn 100 tỷ

(VNF) – Dù sở hữu nguồn lực tài chính "khủng khiếp" với vốn chủ sở hữu lên tới gần 13.000 tỷ đồng nhưng Công ty mẹ - Vicem chỉ tạo ra hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2015.

Vốn chủ sở hữu gần 13.000 tỷ, Vicem chỉ tạo ra lợi nhuận hơn 100 tỷ

Nhiều khả năng Vicem sẽ được IPO cuối năm nay

Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất thuộc Bộ Xây dựng. Đây cũng là một trong bốn tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng dự kiến sẽ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2016.

Theo báo cáo tài chính năm 2015 của Công ty mẹ - Vicem thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này hiện lên đến 12.872 tỷ đồng. Nợ phải trả của Vicem ở mức 1.112 tỷ đồng, trong đó chỉ 675 tỷ đồng là nợ vay, không đáng kể so với vốn chủ sở hữu.

Mặc dù sở hữu tiềm lực tài chính khủng khiếp, nợ vay lại không đáng kể nhưng tình hình kinh doanh của Vicem lại rất kém khả quan. Tính đến hết năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ - Vicem chỉ ở mức 104,4 tỷ đồng. Năm 2014, con số này của Công ty mẹ - Vicem cũng chỉ là 94,6 tỷ đồng.

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức lợi nhuận kém cỏi trong nhiều năm qua của Vicem là do dù sở hữu hàng chục công ty con, công ty liên kết nhưng phần đông trong số này lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ triền miên. Chỉ có một vài công ty con là hoạt động tương đối hiệu quả, không đủ để kéo lợi nhuận chung của Công ty mẹ đi lên.

Chẳng hạn như trong năm 2015, Công ty mẹ - Vicem ghi nhận mức doanh thu tài chính tăng đột biến từ mức 329 tỷ đồng năm 2014 lên mức 831 tỷ đồng, tương đương mức tăng 198%. Trong đó, cổ tức, lợi nhuận được chia tăng mạnh 137%, từ mức 278 tỷ đồng của năm 2014 lên mức 655 tỷ đồng của năm 2015.

Tuy nhiên, 655 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia này lại chủ yếu xuất phát từ 3 công ty gồm: Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch với số tiền 351,9 tỷ đồng; Công ty Xi măng Nghi Sơn với số tiền 96,8 tỷ đồng và Công ty Xi măng Chinfon với số tiền là 95,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong số 831 tỷ đồng doanh thu tài chính năm 2015 cũng có đóng góp 113 tỷ đồng cổ phiếu thưởng và cổ tức trả bằng cổ phiếu, nhưng số tiền này cũng chỉ xuất phát từ 2 công ty là Công ty Cổ phần Vận tải Hà Tiên và Công ty Cổ phần Vicem Vật tư vận tải xi măng.

Nhưng doanh thu tài chính tăng mạnh bao nhiêu thì chi phí tài chính lại bào mòn bấy nhiêu, thậm chí còn bào mòn hết cả doanh thu. Năm 2015, chi phi tài chính của Công ty mẹ - Vicem tăng vọt 742%, từ mức 104 tỷ đồng năm 2014 lên mức 876 tỷ đồng, lớn hơn cả doanh thu tài chính.

"Thủ phạm" gây ra tình trạng này không ai khác lại chính là các công ty con của Vicem. Trong số 876 tỷ đồng chi phí tài chính được ghi nhận trong năm 2015 thì có tới 872 tỷ đồng là dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.

Đây chủ yếu là các khoản dự phòng được trích lập bổ sung cho các khoản lỗ và các tổn thất tài chính của Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp.

Tổng cộng, Công ty mẹ - Vicem đã phải trích lập dự phòng tới 1.473 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào 2 công ty con nói trên.

Chính các công ty con hoạt động thua lỗ đang cản trở quá trình IPO của Vicem. Ngoài Xi măng Hải Phòng và Xi măng Tam Điệp thì theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem, Vicem đang cố gắng hoàn tất quá trình tái cơ cấu tại 2 doanh nghiệp xi măng thu lỗ là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao để kịp tiến độ IPO vào cuối năm nay.

Dù còn ngổn ngang trong hoạt động kinh doanh, phần nào là hoạt động kém hiệu quả nhưng "bom tấn" IPO Vicem chắc chắn vẫn sẽ là thương vụ IPO đáng chờ đợi nhất trong năm 2016.

Tin mới lên