Tài chính

Vốn liếng của SCIC ra sao sau hơn 10 năm xuôi ngược thị trường?

(VNF) - SCIC, định chế tài chính được thành lập nhằm đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đã có màn trình diễn thế nào sau hơn 10 năm tham gia thị trường?

Vốn liếng của SCIC ra sao sau hơn 10 năm xuôi ngược thị trường?

SCIC được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và bắt đầu hoạt động theo Quyết định số 152/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 về ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Sau hơn 10 năm, tổng công ty này đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả vốn nhà nước ở doanh nghiệp, là công cụ để Nhà nước chủ động trong thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và đầu tư hiệu quả vốn nhà nước.

Trong việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, SCIC được xem là một trong những đơn vị đi đầu với kết quả thoái vốn tại các doanh nghiệp trong danh mục Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối đạt hiệu quả cao. 

Theo báo cáo của SCIC gửi đến Bộ Tài chính, SCIC là Tổng công ty đầu tiên thực hiện việc thoái vốn với quá trình chuyên nghiệp, từ định giá đến tổ chức đấu giá, khớp lệnh, giao dịch ngoài sàn, thỏa thuận, chào bán cạnh tranh, bán cả lô...

Bán 7.600 tỷ, thu 27.000 tỷ

Báo cáo của SCIC cho hay từ khi thành lập đến 31/12/2016, SCIC bán vốn tại 951 doanh nghiệp trong đó bán hết vốn tại 853 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là hơn 7.600 tỷ đồng và thu về gần 27.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bán vốn chủ yếu quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 3,5 lần giá vốn.

Cơ chế đặc thù và mang tính đột phá trong thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được SCIC triển khai mang lại hiệu quả tích cực: hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô, cơ chế bán vốn cho người lao động và nhà đầu tư chiến lược,... Từ cơ chế bán vốn đặc thù của SCIC, Chính phủ đã xem xét để xây dựng cơ chế bán cả lô áp dụng thống nhất đối với các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhằm thúc đẩy thoái vốn nhà nước và đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN…

Về đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với nguồn vốn điều lệ và vốn tích tụ trong quá trình kinh doanh, tổng vốn đầu tư đã giải ngân của SCIC đến 31/12/2016 là khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận là 10.262 tỷ đồng; đầu tư thành lập mới và đầu tư cổ phiếu: 5.942 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu 6.850 tỷ đồng và đầu tư theo chỉ định hơn 1.036 tỷ đồng.

Trường hợp điển hình là Vinamilk. Từ khi tiếp nhận Vinamilk đến nay (2006 – 2016), SCIC đã đầu tư hiện hữu hơn 4.300 tỷ đồng vào Vinamilk. Vốn đầu tư hiện hữu của SCIC đã góp phần quan trọng giúp Vinamilk có được vị trí hàng đầu ngành Sữa trong nước cũng như trong  khu vực như hiện nay.

Bên cạnh đó, thông qua đầu tư hiện hữu, SCIC đã triển khai tái cơ cấu, xử lý tồn tại, ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp, điển hình là Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng VN (Vinaconex). 

Năm 2012, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và mất cân đối tài chính, SCIC đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phần theo quyền mua của cổ đông hiện hữu, hỗ trợ việc phát hành tăng vốn của doanh nghiệp đảm bảo theo đúng lộ trình. Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng các chính sách hiệu quả về quản lý dòng tiền, quản lý bảo lãnh, thu hồi công nợ đã giúp cho tình hình tài chính của doanh nghiệp lành mạnh và ổn định.

Kết quả là Vinaconex tránh khỏi nguy cơ phá sản, năm 2013-2014 kinh doanh có lãi, trả cổ tức 6%, giá cổ phiếu tăng từ 8.000 đồng/cổ phần (năm 2012) lên 14.000 đồng/cổ phần (năm 2015).

Vốn tiếp nhận đã "tăng giá" 10 lần

Hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đạt được kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. 

Ở thời điểm bắt đầu hoạt động, vốn tiếp nhận theo giá thị trường khoảng 15.000 tỷ đồng. Sau 10 năm hoạt động, SCIC đã thu cổ tức 25.700 tỷ đồng và thu lãi bán vốn là 19.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số vốn còn lại theo thị trường khoảng: 99.000 tỷ đồng. Do đó, tổng cộng giá trị vốn là khoảng 144.000 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với số vốn tiếp nhận theo giá thị trường ban đầu.

Lũy kế từ khi thành lập đến nay, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 36.000 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 72.000 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập, doanh thu đã tăng gấp 151,3 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 143 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 9,9 lần; tổng tài sản tăng gấp 13,5 lần; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 16%/năm; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) bình quân 8%/năm.

Tin mới lên