Tài chính

Vốn nào cho mỏ sắt Thạch Khê?

Trong khi Bộ Công Thương sốt sắng đề nghị khởi động lại dự án mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á, Thạch Khê, vốn đã bị trì hoãn suốt 10 năm qua, chính quyền địa phương là UBND tỉnh Hà Tĩnh lại lên tiếng phản đối vì cho rằng khả năng huy động vốn cho dự án chưa có tiến triển gì.

Vốn nào cho mỏ sắt Thạch Khê?

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Thạch Hà). Ảnh: S.T

Sau một thời gian dài im ắng, câu chuyện về mỏ sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh đã bắt đầu được bàn luận trở lại từ cuối năm 2016, thời điểm Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho khởi động lại dự án mỏ quặng sắt được cho là lớn nhất Đông Nam Á này.

Lại đề xuất tái cơ cấu

Theo Bộ Công Thương, tổng giá trị của mỏ Thạch Khê được ước tính lên tới 35 tỷ USD và việc để cho dự án khai thác mỏ quặng này nằm "bất động" kể từ năm 2011 trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập quặng sắt từ nước ngoài là một sự lãng phí. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng lên tiếng phản đối.

Quay trở lại thời gian về trước, dự án mỏ sắt Thạch Khê lần đầu được phát hiện ra từ năm 1988 bởi các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam. Kể từ đó, có rất nhiều đoàn khảo sát cùng sự tham gia của các Công ty khai khoáng nước ngoài, nhưng vì nhiều lý do khác nhau dự án không thể triển khai được. Đến năm 2008, Chính phủ quyết định thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê, gồm 9 cổ đông là các tập đoàn và tổng công ty trong nước để thực hiện dự án khai thác mỏ Thạch Khê đồng thời xây dựng một nhà máy luyện thép lớn ngay tại đó.

Tưởng như dự án mỏ có trữ lượng 544 triệu tấn quặng này sẽ được khai thác, nhưng ngay sau khi thành lập Công ty Thạch Khê đã rơi vào cảnh thiếu vốn vì các cổ đông không góp đủ và ba năm sau đó một số cổ đông lớn của Công ty như Vinashin, VNPT và Tập đoàn Sông Đà buộc phải thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, số cổ phần còn lại được chuyển cho Vinacomin. Thạch Khê tiến hành tái cơ cấu lần thứ nhất.

Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này 5 cổ đông còn lại là Vinacomin, Mitraco, VnSteel, Bitexco và Thăng Long cũng chưa đóng góp đủ số vốn điều lệ 2.400 tỷ vào Thạch Khê và dự án này vẫn nằm bất động suốt 7 năm qua. Để dự án có thể tái khởi động, Bộ Công Thương cho rằng sẽ cần phải có khoảng 7.000 tỷ đồng rót vào và Công ty sắt Thạch Khê cũng phải thực hiện tái cơ cấu một lần nữa bằng cách kêu gọi thêm sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

Nhưng theo phản hồi của Hà Tĩnh, các chủ đầu tư cho tới nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về góp vốn vào dự án thì sẽ khó thu xếp đủ nguồn tài chính để dự án hoạt động. Đó là chưa kể tới Vinacomin, cổ đông đang nắm tới 52% cổ phần tại Thạch Khê đang gặp khó khăn chồng chất về tài chính. Chính Bộ Công Thương cũng thừa nhận Công ty Thạch Khê không còn tiền đầu tư, trong khi nhu cầu kinh phí trong năm 2016 và các năm tiếp theo rất lớn.

Vốn từ đâu?

Thực tế có nhiều chuyên gia cho rằng khai thác mỏ Thạch Khê hiện tại là rất khả thi, vì nhu cầu quặng của Việt Nam đang cao. Theo Quyết định số 185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 về việc quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020 có xét đến 2030, nhu cầu quặng và tinh sắt cho ngành luyện kim trong nước dự báo đến năm 2015 đạt khoảng 7,2 triệu tấn, năm 2020 đạt khoảng 18 triệu tấn, năm 2025 đạt khoảng 32 triệu tấn và năm 2030 đạt khoảng 41 triệu tấn.

Theo thống kê địa chất, tổng trữ lượng và tài nguyên về quặng sắt của Việt Nam hiện đạt khoảng một tỷ tấn, tập trung tại hai mỏ Thạch Khê và Quý Xa ở Lào Cai. Như vậy đầu ra của mỏ Thạch Khê là có.

Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, các cổ đông mới chỉ góp được hơn 1.800 tỷ đồng vốn điều lệ trong tổng số 2.400 tỷ đồng phải góp, trong số đó là phần góp của Vinacomin, khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích, điều kiện địa hình mỏ Thạch Khê rất phức tạp, vượt quá khả năng của nhà đầu tư trong nước. Ông Cường cho rằng, để khai thác hiệu quả mỏ sắt Thạch Khê, cần phải thuê tư vấn là các tập đoàn hàng đầu thế giới, có nhiều kinh nghiệm mới có thể đảm đương được.

Nhưng đây lại là điều Chính phủ không muốn. Bằng chứng là tập đoàn thép Kobe Steel của Nhật Bản, hiện đang đầu tư dự án sắt trị giá 1 tỷ USD tại Nghệ An, đã xin góp vốn vào dự án này rất lâu nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Nguồn huy động còn lại sẽ là phát hành trái phiếu và vay thương mại từ các ngân hàng. Nhưng xem ra phương án này không phải là dễ khi chính các nhà đầu tư còn đang ngần ngại góp vốn vào dự án thì các ngân hàng sẽ còn phải thận trọng hơn. Với những khó khăn như vậy, nguồn vốn để tái khởi động lại dự án Thạch Khê sẽ vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Tin mới lên