Tài chính

Xung quanh "Nghị định 4.0" về cổ phần hóa DNNN

Nghị định mới về cổ phần hóa DNNN được đánh giá là có nhiều nỗ lực minh bạch, công khai.

Xung quanh "Nghị định 4.0" về cổ phần hóa DNNN

Ảnh minh họa.

Điểm mới ở "Nghị định 4.0"

"Kim chỉ nam" cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang tiếp tục được hiệu chỉnh lại với nghị định mới từ Bộ Tài chính, gọi nôm na là "Nghị định 4.0".

Gọi vậy là bởi Nghị định này là lần ban hành và "nâng cấp" thứ 4 liên tiếp của Chính phủ về quy định việc chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

"Nghị định 4.0" vẫn kế thừa nội dung 3 nghị định trước, tuy nhiên có nhiều thay đổi rất đáng chú ý. Đầu tiên, đáng chú ý nhất, là nội dung bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo Bộ Tài chính, nhiều quy định về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước, chẳng hạn như việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng, hay như quy định hiện hành cho phép nếu chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần DNNN thì có thể được bán theo phương pháp thỏa thuận trực tiếp…

Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đề xuất không tổ chức bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược nếu chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua, mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các nhà đầu tư thông thường khác.

Thêm nữa, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau trên Sở giao dịch chứng khoán và thực hiện bán đấu giá sau cuộc đấu giá công khai (không áp dụng hình thức bán trước cho nhà đầu tư chiến lược và bỏ quy định mức khống chế số lượng tối đa 3 nhà đầu tư nhà đầu tư chiến lược tại mỗi doanh nghiệp).

Song song với những đề xuất liên quan đến bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Bộ Tài chính cũng đề xuất một vài thay đổi, bổ sung khác liên quan đến việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Theo đó, đáng chú ý, dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới bên cạnh 3 phương thức bán cổ phần lần đầu hiện nay (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), đó là phương pháp dựng sổ (Book building). Phương pháp này khá phổ biến trên thế giới và được đánh giá là khá tối ưu, sát thực tế, giảm đáng kể thất thoát vốn Nhà nước khi tiến hành IPO DNNN.

Đối với khoản tiền thu được từ cổ phần hóa, dự thảo Nghị định quy định đưa số tiền thu về này tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính và giao cho SCIC thực hiện thu, chi như vai trò thủ quỹ. Khá nổi bật là Bộ Tài chính có đề xuất bỏ nội dung doanh nghiệp cổ phần hóa phải mở tài khoản riêng biệt tại ngân hàng thương mại để phong tỏa số tiền bán cổ phần lần đầu.

Đối với các tài sản vô hình, Bộ Tài chính đề xuất phải đánh giá lại loại tài sản này khi tiến hành cổ phần hóa bởi nhiều tài sản vô hình đã hết khấu hao hoặc giá trị còn lại trên sổ sách rất thấp, nhưng giá trị thực tế vẫn cao, là nguồn thu không thể bỏ sót khi cổ phần hóa, cũng là tránh hành vi trục lợi từ việc bán rẻ các tài sản này trước cổ phần hóa.

Về chi phí thực hiện cổ phần hóa, Bộ Tài chính đề xuất bỏ giới hạn chi không quá 500 triệu đồng đối với các doanh nghiệp có giá trị trên 100 tỷ đồng, đưa quyền chủ động về chi phí cổ phần hóa về cho cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo Bộ Tài chính, quy định này là nhằm vào những doanh nghiệp có quy mô lớn, cần phải thuê tư vấn, quảng bá doanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư chiến lược.

Vẫn lo "tư nhân hóa"

"Xử lý như thế nào với trường hợp cổ phần hóa thành tư nhân hóa, tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người?", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề tại cuộc họp với các bộ, ngành để cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần do Bộ Tài chính soạn thảo.

Nỗi lo của vị lãnh đạo Chính phủ là hiển hiện, bởi ngay thời gian gần đây, vụ việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cùng gia đình nắm giữ tới gần 700 tỷ đồng trị giá cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang – nơi bà Thoa từng làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc – vẫn còn như trước mắt.

Hay như trường hợp của Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa, người từng là Tổng giám đốc Cienco 4 trước và sau khi cổ phần hóa. Thời điểm Cienco 4 cổ phần hóa cũng là lúc lượng lớn cổ phiếu của công ty này rơi vào tay vợ và con trai ông Hoa, thông qua cả sở hữu trực tiếp lẫn gián tiếp. Hiện dự án lớn nhất của Cienco 4 là BOT cầu Bến Thủy đang gây tranh cãi lớn về vấn đề thu phí tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Dự thảo Nghị định mới của Bộ Tài chính chưa cho thấy giải pháp khắc phục vấn đề tư nhân hóa này, có chăng chỉ là đề xuất không tổ chức bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược nếu chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua, mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các nhà đầu tư thông thường khác.

Nhưng ngay cả với đề xuất ấy, dù cũng hạn chế được một cách thức mua cổ phần thiếu minh bạch, nhưng vẫn không thể chặn được tình trạng móc nối, "quân xanh, quân đỏ" khi tiến hành bán đấu giá cổ phần. Đây là vấn nạn lớn, không chỉ riêng với việc bán đấu giá cổ phần DNNN mà còn đối với hầu hết các đợt đấu giá liên quan đến Nhà nước nói chung. 

Bài toán ở đây rõ ràng rất khó giải, nhất là khi trên thực tế, đa số các trường hợp đều lắt léo hơn rất nhiều trường hợp của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hay Phó Chủ tịch tỉnh Lê Ngọc Hoa. Bên cạnh chuyện móc nối, "quân xanh, quân đỏ", vấn đề định giá cũng là lỗ hổng nan giải khi tiến hành cổ phần hóa DNNN.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp góp ý dự thảo đã lưu ý Bộ Tài chính rằng, nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị doanh nghiệp, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai,…

Định giá đất đai là câu chuyện lớn, vấn đề nóng nhất trong định giá tài sản. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với Kiểm toán Nhà nước hồi đầu năm đã chỉ rõ tình trạng khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch nhưng sau khi cổ phần hóa xong thì lại có chuyện chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu.

Bản thân Bộ Tài chính cũng kiến nghị đưa giá trị đất (cả thuê và giao) tính vào giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất, như là một giải pháp cho thực trạng trên, tuy nhiên, chưa có quy định đặc thù ngăn chặn việc móc ngoặc khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Có thể thấy được rõ nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc công khai, minh bạch tiến trình cổ phần hóa DNNN tại dự thảo Nghị định mới lần này, tuy nhiên, nhiều vấn đề căn bản dẫn đến việc thất thoát vốn Nhà nước như tình trạng móc ngoặc, "quân xanh, quân đỏ", các vấn đề định giá, đất đai… vẫn chưa tìm ra lời giải.

Tin mới lên