Diễn đàn VNF

'Tái cơ cấu đang mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước'

(VNF) - Chuyên gia Nguyễn Đức Kiên nói thách thức lớn nhất trong 5 năm tới là phải "xét đến bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều điều chưa lường được".

'Tái cơ cấu đang mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước'

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2017 tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết tái cơ cấu nền kinh tế hay cơ cấu lại là vấn đề đã trao đổi từ nghị quyết Trung ương 3, khóa XI năm 2002, nhưng đến bây giờ "chúng ta vẫn còn nhiều băn khoăn". Ông Kiên nói:

"Trước hết, đối với nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV về cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta khẳng định nó là bước tiếp tục hoàn thiện những công việc chúng ta chưa làm xong trong giai đoạn 2011-2016; và là bước triển khai cụ thể Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII về những vấn đề lớn trong nền kinh tế.

Cái mới nhất trong đề án này là chúng ta đã hoàn thiện lại hệ thống luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật quản lý vốn và tài sản Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2015. 

Như vậy, tất cả những ngành nghề nhà nước làm bây giờ được quy lại trong Luật Đầu tư chỉ còn 4 ngành nghề kinh doanh chỉ Nhà nước độc quyền, còn lại chúng ta hoàn toàn được phép kinh doanh.

Một trong những điểm nhấn khác là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang có xu hướng "co lại". Như vậy, sẽ mở ra nhiều ngành nghề mà các thành phần kinh tế khác được kinh doanh.

Quan trọng nhất trong đề án này là không khống chế tỉ lệ vốn của các nhà đầu tư tham gia trong doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu (trừ các tổ chức tín dụng), thậm chí còn đang có xu thế bán cả một doanh nghiệp lớn của Nhà nước để cho các thành phần kinh tế khác tham gia cơ cấu lại.

Bán vốn một cách quyết liệt là một nội dung đáng chú ý trong tái cơ cấu kinh tế

Điển hình là Vinamilk, là một trong 10 doanh nghiệp Nhà nước lớn được bán công khai trên sàn giao dịch trong thời gian tới. Nhưng phương thức bán thế nào còn đang có các ý kiến trái chiều, tuy nhiên chúng ta chưa xét đến mà chúng ta phải ghi nhận những đổi mới lớn.

Thách thức lớn nhất trong 5 năm còn lại, phải xét đến bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều điều chưa lường được. Qua năm 2016 với nhiều diễn biến đã buộc những người làm hoạch định kinh tế vĩ mô phải xem xét lại qua hiện tượng Brexit.

Nếu nhìn lại có thể thấy, những dự báo về kinh tế Mỹ trong năm 2016 không còn phù hợp và không thể hiện đúng nguyện vọng của đông đảo người dân. Như vậy, chứng tỏ tính dự đoán của nền kinh tế thế giới đang ngày càng khốc liệt và khôn lường. Trong khi đó, những diễn biến đó lại tác động mạnh vào nền kinh tế có độ mở lớn như của chúng ta.

Bối cảnh trong nước, hiện không rõ niềm tin và sự hăng hái quyết tâm của các thành phần kinh tế khác tham gia vào các doanh nghiệp Nhà nước đang chiếm thị phần sản xuất còn lại được bao nhiêu phần trăm. Do đó, chúng tôi hi vọng qua những buổi trao đổi cởi mở, công khai do VCCI và các hiệp hội khác tổ chức sẽ sốc lại tinh thần cho các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ hơn.

Về số lượng chúng ta đã đạt được, tuy nhiên chúng ta lại không đạt đúng bản chất. Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt dẫn tới mô hình quản trị hiện tại của DN không đạt được như mong đợi. Như vậy, vốn và mô hình không đạt được thì lợi nhuận sẽ không đạt được. Do đó, thách thức lớn nhất là trong bản thân chúng ta, chứ không phải vấn đề cơ chế, vì cơ chế luôn đi sau thực tế, luật không thể vừa làm ra đã phù hợp ngay".

Tin mới lên