Tài chính

Tái cơ cấu nông nghiệp và mô hình ‘bà đỡ’ của PAN Farm

(VNF) – Với mô hình "bà đỡ" như của PAN Farm, nông dân sẽ không mất đất, cũng không đứng ngoài trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, thậm chí là người hưởng lợi lớn nhất.

Tái cơ cấu nông nghiệp và mô hình ‘bà đỡ’ của PAN Farm

PAN Farm hoạt động với vai trò như "bà đỡ" đối với người nông dân

"Chặng đường gian khổ"

Nông nghiệp, kế sinh nhai của hơn 60 triệu nông dân, như thường lệ tiếp tục là chủ đề nóng tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 9/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Văn Việt đoàn Lâm Đồng đánh giá, mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay đang bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và giá trị của hàng nông sản.

"Cử tri, nhất là nông dân vẫn đang rất lo lắng trước thực trạng sản lượng cao, dẫn đến nguồn cung dư thừa và điệp khúc buồn ‘được mùa rớt giá’ luôn lặp đi, lặp lại", đại biểu Việt phản ánh.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đoàn Ninh Thuận thì ví von, bài ca "được mùa mất giá, được giá mất mùa" đã quá quen thuộc, được nông dân và đại biểu Quốc hội hát đi, hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước nhắc đến nông nghiệp công nghệ cao như là một yêu cầu tất yếu để tái cơ cấu nền nông nghiệp. Nhiều đại biểu thì đề xuất phải "doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp".

Hoa cúc

Nông nghiệp công nghệ cao được nhắc đến như là một yêu cầu tất yếu để tái cơ cấu nền nông nghiệp

Với Bộ trưởng NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường, trong suốt phiên trả lời chất vấn ngày 13/6, rất nhiều lần vị tư lệnh ngành nông nghiệp này nhắc đến yếu tố thị trường như là "yếu huyệt" của nền nông nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Cường, sức sản xuất của Việt Nam hiện nay là rất lớn, khối lượng nông sản phẩm làm ra không chỉ đủ cho 92 triệu dân mà còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên, tổ chức thị trường và chế biến đang là 2 khâu yếu nhất.

Bộ trưởng cũng ví von, hành trình đưa nông sản Việt từ bán ở chợ nhà ra bán trên thế giới là "chặng đường gian khổ" nhưng bắt buộc phải làm.

"Liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm, trong khi đa số là nuôi rồi thịt và bán ở phản thịt ngoài chợ", Bộ trưởng nêu thực trạng.

Mô hình "bà đỡ" của PAN Farm

"PAN Farm không lấy đất của dân. Nông dân muốn làm gì thì hãy xem mô hình của PAN Farm mà làm. Bài toán của PAN Farm là mở rộng, hợp tác với dân để làm, vì bản thân PAN Farm xuyên suốt không lấy đất của dân, nghĩa là PAN Farm sẽ không có đất nếu dân không hợp tác", ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN – công ty mẹ của PAN Farm nêu quan điểm rất đáng chú ý tại một cuộc trao đổi với báo chí gần đây.

Mô hình của PAN Farm, theo đó, rất khác so với các mô hình tích tụ ruộng đất lớn và cơ giới hóa nông nghiệp như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai, hay đầu tư ngay vùng nguyên liệu lớn với công nghệ hiện đại như trường hợp của Vingroup.

Theo ông Hưng, làm nông nghiệp khó ở chỗ, đầu tiên phải chuẩn chất lượng, sau khi chuẩn chất lượng thì phải đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo xong thì mới tăng số lượng. Đồng thời, ngay khi có sản phẩm thì mới tiếp xúc được với các kênh tiêu thụ.

Đây là lý do khiến ông Hưng chấp nhận để PAN Farm chỉ sản xuất quy mô nhỏ trong 3 năm đầu, không vội vàng, mục tiêu là để đạt chất lượng cao nhất. Cùng với đó, rất quan trọng, là xây dựng được mô hình canh tác, hợp tác chuẩn với người nông dân, phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô nhưng "không lấy đất của dân".

"Trên Đà Lạt, ngày xưa người nông dân trông hoa cúc, người ta chỉ bán được 500 đồng/cành. Nhưng khi hợp tác với PAN Farm, người ta bán được mỗi cành hoa cúc giá 1.900 đồng, tất nhiên người ta phải tuân thủ điều kiện của PAN Farm. Nếu như mang lại giá trị cho người ta, thì chẳng ai quay về 500 đồng cả", ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ về hiệu quả của mô hình hợp tác này.

Hiện nay, giá hoa cúc của PAN Farm đã lên đến 9.000 đồng/cành. Ngay thời điểm mới bắt đầu làm hoa cúc được 7 tháng, giá hoa cúc của PAN Farm đã vượt Đà Lạt Hasfarm  - đơn vị có 20 năm kinh nghiệp trong phân khúc hoa cao cấp.

Hoa cúc PAN

PAN Farm hoạt động như "bà đỡ" đối với người nông dân và quan điểm xuyên suốt là không lấy đất của dân

Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ thêm, nếu PAN Farm có làm quy mô lớn thì chỉ làm tối đa 1.000 ha để mọi người hiểu được hiệu quả của mô hình, rằng mô hình trồng cây như thế nào, chăm bón ra sao, tưới nước thế nào, thu hoạch thế nào.

"Còn lại, PAN Farm sẽ ký hợp đồng hợp tác để người dân tự triển khai trên đất của họ", ông Hưng nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT PAN Farm, PAN Farm chỉ hưởng lợi tối đa 30% từ hợp đồng hợp tác, còn lại hơn 70% lợi ích là thuộc về người nông dân.

Về nguồn vốn, phía PAN Farm cho hay, một khi công ty đứng ra bảo lãnh đầu ra thì người nông dân sẽ dễ dàng tiếp cận với vốn vay ngân hàng.

Mô hình với vai trò "bà đỡ" của PAN Farm là mô hình không quá lạ, nhưng lần đầu tiên được triển khai bài bản bởi một doanh nghiệp lớn, quan trọng hơn, "hướng đến người nông dân" là chiến lược xuyên suốt của mô hình này.

Mô hình "bà đỡ" của PAN Farm nếu có thể được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính áp dụng tại nhiều phân khúc nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp khác nhau, thì tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" hẳn sẽ không còn là điệp khúc. Nông dân, theo đó, sẽ không đứng ngoài trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, thậm chí là người hưởng lợi lớn nhất.

Tin mới lên