Ngân hàng

Tái cơ cấu Sacombank: Thức khuya mới biết đêm dài?

(VNF) – Tái cơ cấu Sacombank có thành công hay không còn phải chờ kết quả xử lý 40.000 – 60.000 tỷ đồng nợ xấu còn lại.

Tái cơ cấu Sacombank: Thức khuya mới biết đêm dài?

Chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT Sacombank là đến cuối năm 2017, phải đảm bảo xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu

"Đến cuối năm 2017, phải đảm bảo xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu" là tuyên bố của Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh trước 350 lãnh đạo cốt cán của ngân hàng này tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2017.

80.000 tỷ đồng tài sản có vấn đề là con số mà Sacombank đưa ra. Còn theo ước tính của Công ty Chứng khoán Vietcombank, nợ xấu của Sacombank vào khoảng gần 60.000 tỷ. Xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017 là con số quá ấn tượng, hoàn thành tới 1/4 – 1/3 chặng đường xử lý nợ xấu.

Nửa đầu năm quẩn quanh với vấn đề nhân sự, Sacombank mới chỉ tự xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu. Đồng nghĩa, nếu không kể các biện pháp xử lý nợ xấu danh nghĩa kiểu như bán nợ cho VAMC, và nếu đúng như tuyên bố của ông Dương Công Minh, Sacombank còn phải xử lý tới 19.000 tỷ đồng nợ xấu trong 6 tháng cuối năm 2017. Con số này lại càng ấn tượng hơn.

Cơ sở nào cho tuyên bố của ông Dương Công Minh? Theo trình tự xử lý nợ xấu thông thường, các khoản nợ xấu có tính thanh khoản cao, ít tranh chấp, tựu chung là dễ xử lý sẽ được ưu tiên giải quyết trước.

Theo nhiều nguồn tin, lượng nợ xấu kiểu này tại Sacombank rơi vào khoảng 20.000 – 30.000 tỷ đồng. Đây là "miếng mồi" béo bở nhất cho các đối tượng mua nợ, đặc biệt là các công ty bất động sản, nhất là khi nghị quyết xử lý nợ xấu đã cho phép tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Thực tế này cho thấy, việc xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu ban đầu là dễ dàng nhất. Thế nhưng, lượng nợ xấu "béo bở" này sẽ rơi vào tay ai với giá bao nhiêu? Lợi ích nhóm trong tái cơ cấu Sacombank, nếu có, sẽ xoay quanh lượng nợ xấu được xử lý ban đầu này.

Đến đây, lại một vấn đề nữa đặt ra, là sau khi xử lý xong lượng nợ xấu trên, 40.000 – 60.000 tỷ đồng nợ xấu còn lại sẽ ra sao? "Miếng ngon" đã xử lý hết, người mua cũng ít đi, người bán cũng ít động lực hơn. Đó là chưa kể đến những dai dẳng, mệt mỏi gắn với những tài sản bảo đảm rơi vào tình trạng tranh chấp, kiện tụng.

20.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý đầu tiên là đáng chú ý, nhưng càng đáng chú ý với 40.000 – 60.000 tỷ đồng nợ xấu còn lại. "Thức khuya mới biết đêm dài", tái cơ cấu Sacombank sẽ chỉ thành công khi xử lý được lượng nợ xấu còn lại trên, nếu không, chỉ có nhóm lợi ích là thành công.

Tại hội nghị sơ kết Sacombank 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Dương Công Minh và HĐQT Sacombank đã quyết định "thưởng nóng" 1 tháng lương cơ bản và nâng chính sách lương, phúc lợi cho hơn 17.000 cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống từ tháng 7/2017.

Quyết định thưởng nóng về ngắn hạn sẽ làm gia tăng chi phí hoạt động cho Sacombank thêm khoảng 200 - 250 tỷ đồng, giữa bối cảnh chi phí thường xuyên của Sacombank vẫn đang là gánh nặng, đặc biệt là chi phí trả lãi tiền gửi. 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận thuần của Sacombank chỉ đạt 616 tỷ đồng.

Chi phí thường xuyên lớn bào mòn đáng kể lợi nhuận cũng là nguyên nhân khiến Sacombank không thể mạnh tay trích lập dự phòng. 6 tháng đầu năm, Sacombank chỉ trích lập dự phòng vỏn vẹn 37,6 tỷ đồng, không thấm gì so với lượng nợ xấu khổng lồ khoảng 60.000 – 80.000 tỷ.

Về dài hạn hơn, quyết định này có thể tạo động lực cho cán bộ nhân viên gia tăng thêm kết quả kinh doanh, từ đó bù đắp được chi phí thưởng, thậm chí vượt chi phí thưởng.

Tin mới lên