Tiêu điểm

'Tài sản không rõ nguồn gốc, đưa ra toà rất nguy hiểm'

(VNF) - Thảo luận về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng, các đại biểu Quốc hội cho rằng tài sản không giải trình rõ nguồn gốc nếu đưa ra cho toà phán quyết sẽ rất nguy hiểm, bởi bản thân toà án cũng không có cơ sở để quyết định.

'Tài sản không rõ nguồn gốc, đưa ra toà rất nguy hiểm'

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Dù nhiều lần được đem ra bàn thảo tại các phiên họp của Uỷ ban TVQH, song việc xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Góp ý vào dự thảo luật, ĐB Đỗ Văn Bình nhấn mạnh việc quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình rõ nguồn gốc có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong công tác phòng chống tham nhũng cũng như xử lý thực tiễn xã hội đặt ra. Tuy vậy, ông vẫn băn khoăn về các phương án được đề cập trong báo cáo giải trình tiếp thu.

Theo đại biểu Đỗ Văn Bình phân tích, nếu xử lý bằng công cụ thuế thu nhập cá nhân thì dường như chưa có cơ sở chắc chắn khi thực hiện thu thuế mà chính người có thu nhập đó không giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản phải chịu thuế. Hơn nữa, dự luật lần này cũng không quy định mức thuế là bao nhiêu (dự thảo lần trước quy định thu thuế 45%).

Còn về phương án đưa ra toà xem xét quyết định, đại biểu Bình đồng tình với ý kiến cho rằng điều này đảm bảo tính dân chủ, khách quan khi có tranh tụng công khai tại toà về tính hợp lý của tài sản, thu nhập tăng thêm. Khi toà xác định giải trình không hợp lý thì tịch thu 100% tài sản, thu nhập đó thể hiện thái độ quyết liệt trong phòng chống tham nhũng.

“Việc xử lý như phương án này không chỉ thu hồi tài sản mà còn tác động tích cực tới công tác phòng chống tham nhũng, góp phần nâng cao năng lực thực thi trách nhiệm của cơ quan xác minh thu nhập, tài sản”, ông Bình nhấn mạnh và đề nghị chọn phương án giao cho toà xem xét quyết định.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), nếu đưa ra toà quyết định thì cần làm rõ được hai điểm. Đó là khi người kê khai nói mình giải trình hợp lý trong khi cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cho rằng không hợp lý thì ra toà nghĩa vụ chứng minh là ai, phải chăng của toà? Toà hiện đang quá tải, giờ được giao thêm nhiệm vụ xử lý vấn đề này nhưng luật lại chưa đề cập việc tạo nguồn lực cho toà làm việc này.

Theo ông Tám, nếu hai vấn đề này nếu cảm thấy không giải quyết được thì nên tính phương án khác.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện băn khoăn, nếu sử dụng toà án thì ngoài yếu tố bộ máy, nguồn lực thì đây là tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hay như thế nào? Bởi vì phải đáp ứng các điều kiện của từng loại tố tụng.

“Nếu không có cơ sở thì rất nguy hiểm. Toà án không thể vượt qua quy định của pháp luật. Nếu cho toà giải quyết thì coi như đang hình sự hoá trá hình vấn đề thu hồi tài sản, điều này không ổn về khoa học pháp lý”, ông Nhưỡng nói.

Một đại biểu khác, ông Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) băn khoăn “không rõ toà căn cứ vào gì để xác định hợp lý hay không. Quy trình thủ tục thì thuộc về tố tụng hành chính, dân sự, hình sự hay là gì, trong khi đó giao toà trách nhiệm nặng nề mà không có đường ra”. Theo ông Thân, khi ra toà thì không thể nói trách nhiệm người có nghĩa vụ phải tự chứng minh.

Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì phân tích nhiều lý do không tán thành với quy định nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Nhà nước tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo bà Mai, cách xử lý này chưa đảm bảo tính nghiêm minh và tính công bằng. Việc đánh thuế thu nhập cá nhân không mang nhiều ý nghĩa răn đe hay ngăn chặn quyết liệt hành vi tham nhũng. “Nếu là tài sản tham nhũng mà áp dụng đánh thuế 45% thì quá nhẹ, còn chưa chứng minh được mà áp dụng mức này thì quá nặng”.

Tin mới lên