Chứng khoán

Tại sao ACV tăng giá cổ phần khởi điểm khi IPO?

Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã quyết định đề nghị điều chỉnh giá bán khởi điểm cổ phần doanh nghiệp (IPO) so với phương án trước đây theo hướng tăng giá thêm 700 đồng/cổ phần. Điều đáng nói là đề nghị tăng giá được đưa ra trong điều kiện tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp những năm tới được dự tính sẽ giảm trong khi chi phí đầu tư sản xuất tăng lên.

Tại sao ACV tăng giá cổ phần khởi điểm khi IPO?

Một số cảng hàng không dự kiến sẽ được cho thuê, chuyển quyền khai thác trong những năm tới, nhưng ACV lại đề nghị tăng giá bán cổ phần khởi điểm khi IPO - Ảnh:TL

ACV đã trình Bộ GTVT phương án điều chỉnh giá bán khởi điểm 77,8 triệu cổ phần (3,47% vốn điều lệ) khi IPO doanh nghiệp này, dự kiến vào tháng 12 tới.

Theo phương án IPO của tư vấn đưa ra cho ACV trước đây thì giá bán dự kiến khi IPO là 11.100 đồng/cổ phần, nay sẽ điều chỉnh tăng thành 11.800 đồng/cổ phần so với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần. Nếu chỉ cần IPO bằng giá bán khởi điểm mới được đề xuất và bán hết hơn 77 triệu cổ phần bán ra thì dự kiến doanh nghiệp sẽ thu thêm được 54,46 tỉ đồng

Lý do của quyết định điều chỉnh giá có vẻ không thuận với phương án điều chỉnh tổng thể phương án cổ phần hóa ACV được đưa ra. Theo đó, ACV cho rằng, sở dĩ phải điều chỉnh là vì thời điểm lập báo cáo tư vấn giá khởi điểm (theo phương án được phê duyệt là tháng 4-2015) so với thời điểm thực hiện IPO (dự kiến tháng 12 năm nay) thì kinh tế vĩ mô, lãi suất trái phiếu chính phủ, kế hoạch kinh doanh 5 năm qua và 5 năm tới của doanh nghiệp có nhiều thay đổi.

Theo phương án hiện nay thì cách tính dựa trên chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp cho giai đoạn 2015-2019. Tại thời điểm 2019, dự kiến ACV sẽ đạt doanh thu 10.527 tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế dự tính 2.164 tỉ đồng.

Tuy nhiên, thời điểm IPO là cuối năm 2015, trong khi ACV đã xây dựng kế hoạch kinh doanh 2016-2020 và giá trị cổ phiếu cũng phục thuộc rất lớn vào tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong 5 năm tới.

Một trong số những thay đổi là những năm tới tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm so với hiện tại nếu một số lĩnh vực, dịch vụ tại các cảng hàng không trong những năm tới sẽ được tách ra độc lập khỏi hoạt động kinh doanh của ACV. Ví dụ như nhà ga quốc tế mới tại Đà Nẵng do CTCP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (CAV chỉ có 10% cổ phần) sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2017.

Mặt khác, tư vấn cho rằng, việc tách một số lĩnh vực dịch vụ ra khỏi ngành nghề kinh doanh của ACV sẽ khiến giá cổ phiếu không đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư vì cổ phiếu của ACV là cổ phiếu khó tăng trưởng trong ngắn hạn, phải đầu tư dài hạn, dẫn đến rủi ro nếu nắm giữ lâu dài nên tỉ lệ chiết khấu dài hạn vốn chủ sở hữu của công ty phải cao hơn thời điểm báo cáo đã lập hồi tháng 4/2010.

Mặt khác, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm ở thời điểm hiện tại đã cao hơn lãi suất tại thời điểm tháng 4-2010 (6,9%/năm so với 6,5% hồi tháng 4) dẫn đến chi phí đầu tư của doanh nghiệp tăng cao. Nhất là trong thời điểm tới ACV sẽ phải vay nhiều để đầu tư mới và nâng cấp một số cảng hàng không theo kế hoạch.

ACV dự tính tổng doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp sẽ chỉ còn 10.546 tỉ đồng và lợi nhuận còn 2.404 tỉ đồng, thấp hơn kế hoạch đã lên cho năm 2019 trước đó.

Trong đợt IPO vào tháng 12 tới, dự kiến ACV sẽ bán 20% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược (449 triệu cổ phần), 3,47% bán đấu giá công khai và 1,53% cho tổ chức công đoàn-người lao động.

Với những đề xuất điều chỉnh dựa trên những thông số như vậy thì không rõ Tổng công ty cảng hàng không dựa vào đâu để đề nghị điều chỉnh tăng giá cổ phần khi IPO.

Bộ GTVT đã đề nghị ACV và công ty tư vấn (CTCP chứng khoán ngân hàng BIDV) giải trình về những vấn đề này.

ACV sẽ thực hiện IPO trước, sau đó mới tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo phương án trước đây, ACV dự định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn, công ty tài chính, công ty quản lý khai thác cảng và kinh doanh dịch vụ hàng không, phi hàng không có kinh nghiệm, kể cả các công ty trong nước tham gia.

Nay ACV vẫn muốn kêu gọi các cổ đông như trên, nhưng mở rộng thêm danh sách đối tác có thể là các doanh nghiệp chỉ cần có sự hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn với công ty trong nước.

Tin mới lên