Tài chính

Tăng lương được thực hiện như thế nào từ 2017?

(VNF) - Tăng lương là chủ đề được chú ý đặc biệt khi năm 2016 sắp kết thúc. Kể từ 2017, lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng năm sẽ có sự thay đổi so với năm 2016 nếu các đề xuất và dự thảo nghị định được thông qua.

Tăng lương được thực hiện như thế nào từ 2017?

Từ 2017, lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng năm sẽ có sự thay đổi so với năm 2016.

Tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng

Tại phiên họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/10, Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) đã báo cáo Quốc hội quan điểm về điều chỉnh tiền lương.

Theo đó, về bố trí điều chỉnh tiền lương cơ sở, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, vì vậy, đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) là hợp lý.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.

Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng

Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) là hợp lý.

Ủy ban TCNS cho rằng, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7 - 8%/năm là hợp lý.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần đưa chỉ tiêu này thành mục tiêu thực hiện, không mang tính chất định hướng, gắn với yêu cầu kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, điều chỉnh tiền lương theo lộ trình đã được đề ra.

Các thành viên Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.

Mức lương cơ sở 2016 là bao nhiêu?

Mức lương cơ sở là mức lương được dùng làm căn cứ để tính các mức lương trong bảng lương, các mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định (mức lương cơ sở còn được hiểu là mức lương thấp nhất). Đồng thời, mức lương cơ sở cũng được dùng làm căn cứ để tính mức hoạt động phí theo quy định, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Từ ngày 01/05/2016, mức lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên mức 1.210.000 đồng/tháng (tức là tăng thêm 60.000 đồng). Đây là mức lương điều chỉnh đối với người lao động có hệ số từ 2,34 trở lên bậc lương đầu tiên của người tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm.

Nhóm người hưởng lương hưu và người có lương thấp dưới hệ số 2,34 được giữ nguyên mức tăng 8% như đã điều chỉnh trong năm 2015 và thực hiện ngay từ 01/01/2016.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 180.000 đồng - 250.000 đồng mỗi tháng 

Phương án tăng 7,3% (180.000 - 250.000 đồng) được chốt sau 2 phiên làm việc của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đưa lương tối thiểu vùng lên mức cao nhất là 3,75 triệu đồng một tháng.

Kết quả nêu trên được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố chiều 2/8 sau phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia. Đây là phương án sẽ được Hội đồng đề xuất để Chính phủ xem xét, phê duyệt. So với lương tối thiểu vùng 2016 (tăng bình quân 12,4%), phương án năm nay được chốt sớm hơn một tháng, song mức tăng lại thấp hơn.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức tăng đối với lao động ở các địa phương thuộc vùng I là 250.000 đồng, tương đương 7,1 %. vùng II tăng 220.000 đồng (7,1 %), vùng III tăng 200.000 đồng (7,4 %) và vùng IV là 180.000 đồng (7,9 %). Các mức cụ thể như sau:

lương tối thiểu vùng

Về địa bàn áp dụng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất cơ bản giữ nguyên 4 vùng và danh mục địa bàn ở 4 vùng theo quy định tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ; nhưng có xem xét, cân đối điều chỉnh, bổ sung một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, Bộ đề xuất điều chỉnh phân vùng từ vùng II lên vùng I đối với huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; từ vùng III lên vùng II, gồm: TP Hội An, Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam, TP Trà Vinh thuộc tỉnh Trà Vinh; Từ vùng IV lên vùng III, gồm: huyện Quế Sơn, Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam, thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh và điều chỉnh từ vùng III xuống vùng IV đối với huyện Giang Thành thuộc tỉnh Kiên Giang.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào trung tuần tháng 7, Hội đồng tiền lương quốc gia từng xem xét đề xuất mức tăng lương tối thiểu thêm 11% với 4 vùng (tương đương 250.000 - 400.000 đồng một tháng), cao hơn khá nhiều phương án "chốt" cuối cùng. Mức đề xuất này dựa vào kết quả khảo sát lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống của công nhân, chỉ 8% người lao động có tích lũy, cũng như tình hình kinh tế, khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp...

Trường hợp nào người lao động được tăng lương?

Nếu Dự thảo Nghị định về mức lương tối thiểu vùng 2017 được thông qua và ký ban hành (thay thế cho Nghị định 122/2015/NĐ-CP) thì từ ngày 01/01/2017 sẽ có 03 trường hợp người lao động được tăng lương bao gồm:

Người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng quy định theo Bộ luật Lao động 2012 mà có mức lương hiện tại thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 2017.

3 trường hợp người lao động được tăng lương tối thiểu vùng

Có 03 trường hợp người lao động được tăng mức lương tối thiểu vùng.

Người giúp việc gia đình theo hợp đồng lao động có mức lương hiện tại (bao gồm cả chi phí ăn, ở tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 2017 (Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Nghị định 27/2014/NĐ-CP).

Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau mà có mức lương hiện tại bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2017 nhưng người sử dụng lao động quyết định tăng lương theo quy định của doanh nghiệp: làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 (Căn cứ Khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động 2012); người giúp việc gia đình có hợp đồng lao động (Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Nghị định 27).

Tin mới lên