Tài chính

Tăng thuế và chuyện chi tiêu kiểu ‘ném tiền qua cửa sổ’

(VNF) - Bộ Tài chính đang tìm mọi cách tăng thuế để cải thiện nguồn thu ngân sách. Nhưng tăng thuế sẽ chẳng bao giờ là giải pháp hữu hiệu khi chi ngân sách còn ngổn ngang trăm mối.

Tăng thuế và chuyện chi tiêu kiểu ‘ném tiền qua cửa sổ’

Ảnh minh họa

Gánh nặng chi tiêu

"Để ổn định tài chính, ngân sách cần có lộ trình tiết chế nguồn chi rõ ràng. Ta còn nhiều hiệp hội, tổ chức dùng tiền ngân sách", đó là quan điểm của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Quan điểm ấy dù không mới nhưng là một lần nhắc nhở Bộ Tài chính cũng như cả bộ máy về giải pháp căn cơ cho vấn đề ngân sách.

Từ nhiều năm nay, các chuyên gia đã không ít lần cảnh báo về tình trạng chi ngân sách "vung tay quá trán", không hiệu quả, thất thoát, lãng phí diễn ra ở nhiều ngành, nhiều nơi.

Đơn cử như chi cho duy trì bộ máy, mỗi năm ngân sách phải dành tới 70-80% ngân sách cho việc này. Bởi lẽ, số người hưởng lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người. Trong đó, có khoảng 2 triệu/2,4 triệu viên chức được hưởng ngân sách Nhà nước, khoảng hơn 500.000 công chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì số người nhận lương từ ngân sách lên tới khoảng 11 triệu người.

Từ nhiều năm nay, rất nhiều chuyên gia như Vũ Thành Tự Anh, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Nguyễn Thế Anh, Đinh Tuấn Minh… đã cảnh báo tình trạng chi thường xuyên để duy trì bộ máy tăng nhanh, tạo gánh nặng lên ngân sách.

Các chuyên gia đều thống nhất cao ở nhận định: Thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Bởi thu ngân sách vẫn liên tục tăng cao.

Hồi cuối năm 2015, VEPR cũng đã hoàn thành một nghiên cứu tập trung vào vấn đề chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam.

"Tổ chức quần chúng công" VEPR đề cập bao gồm Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh, cùng 28 hội đặc thù khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí cho hệ thống các tổ chức này hàng năm dao động từ 45,6 nghìn tỷ đồng đến 68,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi ngân sách nhà nước ước vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng.

Con số công bố mới nhất của Bộ Tài chính cũng cho thấy 8 tháng đầu năm nay tiền chi đầu tư phát triển cũng chỉ có khoảng 137 nghìn tỷ, chi trả nợ lãi hơn 68 nghìn tỷ trong khi chi thường xuyên vẫn chiếm phần lớn với con số lên đến 585 nghìn tỷ.

Như vậy, chi thường xuyên vẫn chiếm khoảng 74% tổng chi ngân sách.

Hệ quả là, tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn.

Kéo theo đó, bội chi ngân sách, nói nôm na là "chi nhiều hơn thu" trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế, nhất là giai đoạn 2011-2015.

Năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP thì năm 2013 vọt lên 6,6% GDP, năm 2015 là 6,28% GDP, khoảng 260 nghìn tỷ. Đó là con số đã được quyết toán chính thức. Năm 2016 con số này có giảm nhưng vẫn cao, ở mức 4,95% GDP (khoảng 192 nghìn tỷ).

Để bù đắp bội chi, vay trong nước và vay nước ngoài là biện pháp được thực hiện.

Dự án đắp chiếu: Đừng để dân gồng mình gánh chịu

Trong khi đó, tiết kiệm chi vẫn chỉ là hình thức. Bằng chứng là, con số thất thoát, lãng phí lên đến hàng nghìn tỷ vẫn thường xuyên được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Tại báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 – là năm gần nhất được quyết toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra con số sai phạm, khuyết điểm lên đến hàng nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đã được đưa ra.

Cụ thể, kiểm toán 46 dự án nhóm A, cơ quan này đã phát hiện dự toán sai sót trên 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, có dự án thanh toán vượt giá trị quyết toán; chậm thu hồi các khoản tạm ứng quá thời gian quy định. Kết quả kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ gần 12.400 tỷ đồng.

Đó là chưa kể những "quả đấm thép" một thời như Vinashin, Vinalines nay đang quay trở lại "đấm vào mặt nhân dân" bằng những khoản nợ khổng lồ. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội từng tiết lộ dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới hơn 63 nghìn tỷ đồng...

Trong khi đó, riêng 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu, thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương cũng đã ngốn lượng tiền lên tới hơn 63 nghìn tỷ. Còn tổng số lỗ đến hết 2016 của 10 dự án đã là hơn 16 nghìn tỷ. Đó là các nhà máy xơ sợi Hải Phòng, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai, Dap Hải phòng, thép Việt Trung, bột giấy Phương Nam, các nhà máy nhiên liệu sinh học…

Thế nên, không có giải pháp mạnh tay để ngănchặn những kiểu chi tiêu "ném tiền qua cửa sổ" như vậy, ngân sách sẽ mãi lâmcảnh ăn đong. Khi ấy, tăng thuế như đề xuất của Bộ Tài chính chỉ tạo thêm gánhnặng cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Hệ quả sau cùng thế nào,chắc ai cũng nhìn thấy được.

Tin mới lên