Diễn đàn VNF

Tăng trưởng 6,7% và tiền đề cho phát triển trung hạn

(VNF) - Quyết định của Chính phủ về việc không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch, mà phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% thu hút sự quan tâm và ý kiến tranh luận của các Đại biểu Quốc hội tại nghị trường, cũng như của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Tăng trưởng 6,7% và tiền đề cho phát triển trung hạn

Mục tiêu không dễ dàng

Nhìn lại kết quả kinh tế 5 tháng đầu năm có thể thấy việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cả năm là không dễ dàng. Thứ nhất, kinh tế quý I chỉ đạt mức tăng trưởng 5,1% nên để đạt được mức tăng trưởng 6,7% cho cả năm, đòi hỏi các quý còn lại phải tăng trưởng trung bình  trên 7%.

Đây là mức tăng trưởng rất cao trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình tái cơ cấu, hiệu quả đầu tư và năng suất lao động chưa thể tăng nhanh, nợ công sắp chạm trần đòi hỏi phải cắt giảm chi tiêu trong đó có chi đầu tư xây dựng cơ bản, nợ xấu đang cản trở việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại...

Thứ hai, mặc dù tình hình sản xuất công nghiệp tháng 4 và tháng 5 đã được cải thiện so với quý I, nhưng tính chung trong 5 tháng đầu năm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2016 và với mức phấn đấu đề ra cho năm 2017 là 8,5%.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp bao gồm cả nông, lâm, thuỷ sản phục hồi chậm, đặc biệt ngành chăn nuôi đang tiếp tục đối mặt với cạnh tranh, giá giảm và thiếu thị trường tiêu thụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Chính phủ đã có chuyến thăm Mỹ đặc biệt thành công trên phương diện kinh tế và đầu tư

Thứ ba, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mặc dù được kỳ vọng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng số liệu thống kê cho thấy động lực này ở thời điểm hiện tại vẫn còn yếu ớt. Trong 5 tháng đầu năm tổng vốn FDI đăng ký (cả dự án mới và tăng vốn) đạt 12,1 tỷ USD tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.  

Nếu so với mức tăng 240% của cùng kỳ năm 2016 so 2015 thì tốc độ tăng vốn FDI đăng ký của 5 tháng đầu năm nay là rất thấp. Đặc biệt, tổng vốn FDI thực hiện trong 5 tháng đầu năm đạt 6,15 tỷ USD, chỉ tăng 6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 17,2% của cùng kỳ năm 2016. Khoảng cách giữa tổng vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện (tính luỹ kế) đang tiếp tục doãng ra, cho thấy tỷ lệ giải ngân FDI thấp, cản trở đóng góp của khu vực FDI đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế. 

Thứ tư, do nhiều nguyên nhân, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước chậm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến hết tháng 5/2017 mới đạt khoảng 76,2 ngìn tỷ đồng bằng 21,4% kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội thông qua.

Với những lo ngại về trách nhiệm cá nhân của chủ đầu tư, những khó khăn trong giải phóng mặt bằng và sự rườm rà, phức tạp trong quy trình và thủ tục giải ngân như hiện nay, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước là không dễ dàng. 

Trong bối cảnh nói trên, cần xem mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là mục tiêu phấn đấu nhằm chống nguy cơ tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, đồng thời tạo nguồn lực để đảm bảo cân đối vĩ mô và đầu tư phát triển. Việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 cũng góp phần quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2016 – 2020.

Dư địa tăng trưởng 

Bên cạnh những khó khăn kể trên, có không ít yếu tố thuận lợi và dư địa cần khai thác để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trước hết, kinh tế thế giới được dự báo là tiếp tục phục hồi trong năm 2017 cùng với việc chủ động hội nhập quốc tế của nước ta, nhất là việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các cường quốc kinh tế sau kết quả các chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Các cam kết về đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư và hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa nước ta với Hoa Kỳ, Nhật Bản – những nền kinh tế hàng đầu thế giới - nếu được triển khai sớm sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Nhìn lại 5 tháng đầu năm, có thể thấy xuất khẩu đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu của cùng kỳ 2016 (6,3%). Xét về lĩnh vực kinh tế, ngoài khả năng gia tăng các ngành sản xuất xuất khẩu, nhất là ngành công nghiệp chế tạo, dư địa tăng trưởng có thể nhìn thấy ở ngành du lịch, khai khoáng và phát triển kết cấu hạ tầng.

Đối với ngành du lịch, riêng trong tháng 5 đã có 1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và tính chung trong 5 tháng đầu năm cả nước đã đón tiếp 5,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng tới 30,8% so cùng kỳ năm trước.

Du lịch là ngành đang có dư địa tăng trưởng tốt

Điều này cho thấy Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến an toàn và một số chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch đã đi vào cuộc sống, trong đó có chính sách bỏ thị thực nhập cảnh đối với công dân đến từ một số nước phát triển và việc mở thêm các đường bay trực tiếp đến các địa bàn tiềm năng, cùng với việc cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch và chất lượng dịch vụ ở trong nước.

Từ bài học thực tiễn này cần tiếp tục tạo ra những động lực mới cho ngành du lịch, sớm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

Ngành công nghiệp khai khoáng là lĩnh vực kéo tụt tốc độ tăng trưởng trong những tháng đầu năm do sản lượng khai thác giảm mạnh. Tuỳ thuộc vào xu hướng phục hồi giá dầu trên thị trường thế giới, cần điều chỉnh sản lượng khai thác hợp lý để vừa tiếp sức cho tăng trưởng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng, nhất là điện, giao thông vận tải, khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư phát triển và thực tế triển khai còn rất lớn.

Sau khi Chính phủ ban hành giá điện mặt trời, nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang chờ Giấy chứng nhận đầu tư vào lĩnh vực này. Lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn vắng bóng các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tham gia vào các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) do chính sách còn thiếu cụ thể, hấp dẫn, nhất là tỷ suất lợi nhuận trên vốn đối với nhà đầu tư, các quy định về đảm bảo đầu tư và giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Khắc phục các điểm nghẽn này, nguồn vốn vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng sẽ được khơi thông.

Tạo tiền đề cho trung hạn

Ngoài việc phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017,một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là tạo tiền đề cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong 3 năm tới nhằm hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiều của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Đã có khá nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Ở đây xin nhấn mạnh một số giải pháp trung hạn sau đây: 

Thứ nhất, cần khẩn trương đưa các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 vào cuộc sống, nhất là Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Đây là các Nghị quyết hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, vừa là nền tảng vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống thường chậm trễ, có nơi có lúc thiểu triệt để. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần sớm ban hành chương trình hành động nhằm thể chế hoá các Nghị quyết và tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉnh các nhiệm vụ theo lộ trình cụ thể.

Thứ hai, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, đi đôi với việc hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, tăng cương công tác quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư Việt Nam với bạn bè quốc tế. Năm 2017 là năm kỷ niệm 30 năm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là cơ hội quý giá để tiến hành tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, rút ra bài học kinh nghiệm và định hướng thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho thời kỳ mới.

Cải thiện môi trường đầu tư để có thêm những Samsung mới là điều cần thiết

Nhân sự kiện này, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên tổ chức một Diễn đàn đầu tư quốc tế quy mô lớn với sự tham dự của các chính khách và các tập đoàn xuyên quốc gia từ các nước và khu vực trên thế giới. Diễn đàn này sẽ là dịp để quảng bá môi trường đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm, mang tính chiến lược và phát đi những thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam đang trên đà đổi mới, phát triển, kiên trì với hội nhập quốc tế và là điểm đến đầy triển vọng, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. 

Thứ ba, cùng với việc hoàn thiện luật pháp, chính sách cần tạo được sự đột phá trong thực thi pháp luật, nhất là trong lĩnh vực đất đai, chi tiêu công, giải quyết nợ xấu, bảo vệ mội trường, chuyển giao công nghệ... Đẩy nhanh tiến trình giải quyết dứt điểm các đại án kinh tế, các đại dự án thua lỗ, thoái vốn và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. 

Thứ tư, khẩn trương rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư, cả đầu tư công, hợp tác công tư và dự án FDI để thúc đẩy tiến độ giải ngân. Đặc biệt, đối với các dự án FDI, chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện hiện đang quá lớn, cần được rà soát để loại bỏ các dự án không khả thi, dành đất đai và tài nguyên khác cho các dự án mới; yêu cầu các nhà đầu tư đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo lộ trình đã cam kết. 

Cuối cùng, để nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, không thể không nói tới năng suất lao động. Trong khi chờ đợi các yếu tố dài hạn tác động đến năng suất lao động như tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách giáo dục đào tạo... điều cần quan tâm trước mắt là khắc phục tình trạng yếu kém của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong khu vực kinh tế nhà nước, chọn và bổ nhiệm đúng người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp.

Họ chính là những người có thể cải thiện, nâng cao ngay năng suất lao động trong tổ chức, doanh nghiệp của mình thông qua khả năng quản trị, điều hành mà không phải chờ đợi kết quả của các yếu tố dài hạn.

Tin mới lên