Tiêu điểm

Tăng trưởng GDP cao 'bất thường', nhiều chuyên gia lo lắng

(VNF) - Theo số liệu công bố từ Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao bất thường trong quý 3 với mức tăng trưởng 7,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng một cách đột biến và cao nhất trong vòng 7 năm qua. Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng về mức tăng bất thường này.

Tăng trưởng GDP cao 'bất thường', nhiều chuyên gia lo lắng

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao bất thường trong quý III, theo nhìn nhận của VEPR

"Điểm sáng" tăng trưởng

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam của VEPR cho hay, tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,41% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016 (6,0%) tuy vẫn thấp hơn một chút so với năm 2015 (6,5%).

Theo đó, trong 3 quý đầu năm, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,25% so với cùng kỳ năm ngoái, liên tục gia tăng trong các năm từ 2015 – 2017. Trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và lĩnh vực kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỷ, lần lượt đạt 7,89% và 3,99% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của VEPR, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy rõ sự phục hồi so với năm 2016. Tăng trưởng ở khu vực này trong 9 tháng đầu năm đạt 2,78%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm ngoái và cũng cao hơn đáng kể so với mức 2,08% của năm 2015.

Tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi cho hoạt động của ngành thủy sản và lâm nghiệp, đưa tăng trưởng của hai ngành này lần lượt đạt 5,42% và 5,00% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tình trạng mưa lũ trên diện rộng trong quý III khiến nông nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn là 1,96%.

Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó, đặc biết thấp hơn đáng kể so với năm 2015. Sự suy giảm này vẫn chủ yếu đến từ ngành khai khoáng (giảm 8,08%).

Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III - 2017 của VEPR

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn không ngừng cải thiện tốc độ tăng trưởng với mức tăng trưởng rất cao (12,77%) trong 3 quý đầu năm, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm lại đây. Bên cạnh đó, ngành xây dựng vẫn tăng trưởng khả quan (8,3%), mặc dù thấp hơn mức tương ứng của 2 năm trước, đều trên 9%.

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng liên tục cải thiện rõ rệt trong quý 3. Chỉ số sản xuất và công nghiệp tiêu thụ đều đã vượt mức trung bình của năm 2016, cho thấy mức sụt giảm hồi đầu năm chỉ mang tính chất tạm thời.

Mức tăng trưởng cao trong quý 3 phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt các biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian qua.

Quá phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI?

Số liệu công bố của VEPR cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao bất bình thường trong quý III, với mức tăng trưởng 7,46 % so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong vòng 7 năm qua và cao hơn rất nhiều so với quý trước cũng như cùng kỳ các năm trước.

TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) bày tỏ sự ngạc nhiên về sự tăng trưởng nhảy vọt của GDP quý III lên đến 7,46%. Ông Doanh cho rằng sự tăng trưởng đột biến này do tác động của yếu tố đầu tư nước ngoài (Samsung, Formosa…), nếu không, rất khó để giải thích được.

PGS. TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cảnh báo, đằng sau "điểm sáng" tăng trưởng tăng trưởng quý III còn có nhiều điều bất ổn, nhiều yếu tố chưa bền vững. Ông Thế Anh cho rằng sự tăng trưởng đột biến này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố FDI. Các doanh nghiệp FDI trong 9 tháng đầu năm đóng góp cho xuất khẩu rất nhiều. Tỷ trọng đầu tư vào xã hội của các doanh nghiệp FDI cũng chiếm tới 27%.

"Tăng trưởng của chúng ta phụ thuộc vào FDI nhưng giá trị của FDI lại phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp. Đơn cử như Samsung, xuất khẩu điện thoại, linh kiện điện tử của Samsung vừa rồi tăng rất mạnh kéo theo sự tăng trưởng kinh tế quý III. 

Tuy nhiên, sản phẩm của Samsung lại có tính chu kỳ, tức là không phải quý nào cũng có sản phẩm mới để bán được nhiều, cần có thời gian nghiên cứu, làm ra sản phẩm mới". – ông Phạm Thế Anh cho hay.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao như thế này trong thời gian tới là rất khó khăn nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI.

Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đói với từng bộ, ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, các biện pháp và chỉ thị này mới chỉ mang tính ngắn hạn, vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất của nền kinh tế.

Với mục tiêu mà Quốc hội đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 cần đạt 6,7%, theo các chuyên gia kinh tế có thể đạt được vì tăng trưởng kinh tế quý IV thông thường luôn ở mức cao hơn tăng trưởng kinh tế quý III.

Tin mới lên