Tài chính quốc tế

Tăng trưởng GDP Trung Quốc 2015 'thấp nhất kể từ năm 1990'

(VNF) - Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,8% trong quý IV/2015 và 6,9% cả năm 2015, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn mục tiêu 7% mà Chính phủ nước này đã đề ra.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc 2015 'thấp nhất kể từ năm 1990'

Theo công bố của Tổng cục Thống kê Trung quốc sáng ngày 19/1, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 6,8% trong quý IV/2015, mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ đợt khủng hoảng toàn cầu năm 2009.

Tính chung cả năm 2015, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 7,3% trong năm 2014 và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 và cũng thấp hơn cả mức mục tiêu 7% mà Chính phủ nước này đã đề ra.

Trong đó, sản lượng công nghiệp của tháng 12 tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 6,2% của tháng 11. Doanh số bán lẻ tăng trưởng 11,2%. Đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 10% trong năm ngoái, cũng thấp hơn mức ước tính 10,2% được đưa ra trước đó. 

Tại lễ khai mạc Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vào ngày 16/1 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2015, trong đó dịch vụ chiếm một nửa GDP.

Nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng với hai tốc độ, các ngành công nghiệp từ thép đến than và xi măng đang trong tình trạng suy giảm trong khi tiêu dùng, dịch vụ và công nghệ tăng trưởng lạc quan hơn.

Năm 2015 được coi là một năm đầy biến động với nền kinh tế Trung Quốc với các sự kiện phá giá nhân dân tệ, dự trữ ngoại hối sụt giảm kỷ lục và hơn 5 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán, Trung Quốc bước vào năm 2016 với đầy bất ổn.

Tuy nhiên, năm 2015 cũng ghi nhận những thành công của Trung Quốc khi nhân dân tệ được vào giỏ dự trữ ngoại tệ của IMF, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng vừa chính thức đi vào hoạt động và mô hình kinh tế cũng đang dần chuyển sang hướng dựa vào dịch vụ và tiêu dùng.

"2015 là một bước ngoặt trong sự phát triển của Trung Quốc vì nó đại diện cho sự đột phá rõ ràng từ các mô hình tăng trưởng cũ," James Laurenceson, Phó giám đốc Học viện Quan hệ Australia - Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney nói. "Với rất ít sự hỗ trợ từ đầu tư tài sản cố định và xuất khẩu, chi tiêu của các hộ gia đình đã chứng tỏ được sức mạnh và tạo ra đủ việc làm để giữ cho nền kinh tế không rơi vào trạng thái bất ổn".

"Không có một quốc gia nào phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu khó khăn như Trung Quốc", Stephen Jen, người đồng sáng lập của SLJ Macro Partners LLP ở London và là một cựu chuyên gia kinh tế của IMF cho biết. "Có thể có biến động trong ngắn hạn nhưng triển vọng dài hạn của Trung Quốc vẫn còn khá chắc chắn. Trung Quốc đang thực sự chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn vì lợi ích lâu dài", ông Stephen Jen nhận định.

Tin mới lên