Tài chính

Tăng trưởng nội địa giảm mạnh, ACV dè dặt đặt kế hoạch lãi 2018 tăng 9% lên 5.665 tỷ

(VNF) – Tăng trưởng thị trường nội địa được dự báo sẽ giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến ACV đặt kế hoạch doanh thu chỉ tăng 7%, lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 9% trong năm 2018; thấp hơn rất nhiều mức tăng doanh thu và lợi nhuận năm 2017, lần lượt là 55% và 60%.

Tăng trưởng nội địa giảm mạnh, ACV dè dặt đặt kế hoạch lãi 2018 tăng 9% lên 5.665 tỷ

ACV dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2018

Dè dặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2018.

Theo báo cáo, năm 2017, doanh thu thuần của ACV đạt 13.675 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2016 và vượt 10% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 5.219 tỷ đồng, tăng 60% và vượt 142% kế hoạch.

Tổng tài sản đạt 48.761 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm gần 54%, còn lại là tài sản dài hạn. Nợ phải trả đạt 21.757 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm gần 34%, còn lại là nợ dài hạn (chủ yếu là các khoản vay ODA bằng đồng Yên Nhật để xây dựng Nhà ga hành khách T2 Tân Sơn Nhất và Nhà ga hành khách T2 Nội Bài).

Năm 2018, ACV đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 16.029 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 5.665 tỷ đồng, tăng 9%. Tỷ lệ trả cổ tức dự kiến 9%.

Kế hoạch tài chính trên chưa tính đến ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng Yên Nhật).

Lý giải về kế hoạch kinh doanh dè dặt trên, ACV cho biết tăng trưởng thị trường nội địa được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2018. Nguyên nhân là do trong giai đoạn 2014 – 2016 với sự tham gia khai thác của hàng không tư nhân, chính sách giá linh hoạt, mở nhiều đường bay mới nên tăng trưởng thị trường nội địa các năm qua rất cao (lần lượt 20%, 27% và 30%). Đến năm 2017, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 18%.

Một yếu tố thiếu tích cực khác là năng lực tiếp nhận khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến đến ngưỡng giới hạn nên khả năng tăng chuyến, mở rộng mạng đường bay (nhất là nội địa) sẽ hạn chế.

Cùng với đó, thị trường vận tải đang đối diện một số thách thức, bất ổn như giá xăng dầu có chiều hướng gia tăng, chi phí sản xuất tăng, các sự cố uy hiếp an ninh hàng không, tình hình chính trị thế giới bất ổn, giá vé tăng…

Đầu tư hàng loạt dự án lớn

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của ACV trong năm 2018 là 7.567 tỷ đồng (tổng mức đầu tư các dự án hiện có là 29.492 tỷ đồng), trong đó 4.262 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị, 3.305 tỷ đồng đầu tư vào các dự án mới.

Các dự án tiêu biểu bao gồm 6 dự án nhóm A với tổng mức đầu tư 21.350 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là dự án đầu tư mới nhà ga hành khách T3 – CHKQT Tân Sơn Nhất (công suất 15 triệu khách/năm) với tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng. Đối với 5 dự án còn lại tại CHKQT Phú Bài, Cát Bi, Chu Lai, Vinh, mỗi dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 11 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư 5.205 tỷ đồng.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV cho biết đã thực hiện các thủ tục phát hành hồ sơ yêu cầu để chỉ định đơn vị Tư vấn HEERIM – Hàn Quốc là tác giả phương án được lựa chọn (Bông sen) để lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự kiến đến tháng 5/2018, công tác chỉ định thầu hoàn thành để thực hiện các dự án tiếp theo.

Về đấu thầu lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án, hiện ACV đang đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu, dự kiến hoàn thành công tác xét thầu, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án trong tháng 5/2018.

Về đánh giá tác động môi trường giai đoạn 1 của dự án, ACV cho hay đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, dự kiến thực hiện đầu tháng 6/2018.

Đối với việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ACV đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi để Chính phủ phê duyệt.

Tin mới lên